Trường học vừa mở cửa sau kỳ nghỉ hè, đã ghi nhận học sinh nhiễm COVID-19

Chỉ hai tuần sau khi 825 trường học ở Berlin mở cửa trở lại, đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus COVID-19 ở ít nhất 41 trường học tại thủ đô nước Đức.

truong-hoc-vua-mo-cua-sau-ky-nghi-he-da-ghi-nhan-hoc-sinh-nhiem-covid-19

Cơ quan giáo dục thành phố Berlin tiết lộ rằng hàng trăm học sinh và giáo viên đã phải cách ly. Điều này đã nhấn mạnh thêm một lần nữa về nguy cơ lây nhiễm bệnh trong môi trường trường học, bất chấp sự kiên quyết của các chính phủ và giới chuyên gia cho rằng mở cửa trường học trở lại sẽ an toàn nếu có các biện pháp phòng ngừa phù hợp. Theo báo cáo ở Berlin, tất cả các nhóm tuổi đều bị ảnh hưởng, bao gồm cả các trường tiểu học, trung học và trường đại học.

Berlin là một trong những nơi đầu tiên ở Đức mở cửa trường học trở lại sau kỳ nghỉ hè. Trẻ em bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài hành lang, trong giờ nghỉ giải lao và khi vào lớp học. Dù vậy, các em có thể tháo khẩu trang ra khi đã ngồi vào chỗ và giờ học bắt đầu cho dễ thở. Một số người chỉ trích nói rằng các biện pháp ở Berlin quá thoải mái và cả học sinh lẫn giáo viên nên đeo khẩu trang trong giờ học.

Không chỉ Đức, các ca bệnh đang gia tăng trên khắp châu Âu, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, nơi ghi nhận 66.905 ca trong hai tuần qua. Đó là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm của châu Âu cao nhất trong 14 ngày và cảnh báo về nguy cơ một làn sóng tử vong mới.

Tình hình ở Tây Ban Nha đã khiến người đứng đầu cơ quan y tế khẩn cấp quốc gia Fernando Simón phải đưa ra cảnh báo nghiêm khắc: “Không nên nhầm lẫn: mọi thứ đang không diễn ra tốt đẹp. Nếu chúng ta tiếp tục để cho sự lây truyền gia tăng, ngay cả khi hầu hết các trường hợp nhẹ, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều người phải nhập viện, nhiều người phải chăm sóc đặc biệt và nhiều người tử vong”.

Hơn một phần tư số ca nhiễm mới tại Tây Ban Nha là ở Madrid, nơi từng là tâm dịch hồi tháng ba và tháng tư. Ông Simón nói thêm: “Chúng tôi không nói rằng dịch bệnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát ở cấp quốc gia, nhưng có một số nơi cụ thể đã xảy ra dịch bệnh này.

Số người chết cũng tăng trên khắp Tây Ban Nha, với 131 người chết trong 7 ngày qua so với tháng trước chỉ có 12 ca tử vong. Khoảng 1.400 bệnh nhân COVID-19 đã nhập viện trong tuần trước, gần gấp đôi so tuần trước đó.

Các ca gia tăng chóng mặt đã khiến các quan chức trên khắp Tây Ban Nha phải thực hiện một loạt biện pháp, bao gồm yêu cầu các khu vực ra lệnh đóng cửa các nhà chứa, một tuần sau khi chính phủ đóng cửa hầu hết các cơ sở giải trí về đêm và áp đặt nhiều hạn chế khác.

Bộ trưởng Y tế đã gửi công văn yêu cầu "các tỉnh phải có hành động cụ thể đối với những nơi hoạt động mại dâm, như nhà thổ”. Các nhà thổ hoạt động hoạt động khá công khai ở Tây Ban Nha, điều này gây cản trở cho Bộ Y tế trong việc dập dịch.

Trong khi đó, Pháp đã ghi nhận một bước nhảy vọt khác về số ca nhiễm coronavirus mới và là mức tăng cao nhất kể từ khi kết thúc đợt đóng cửa hồi tháng 5. Tình hình đó khiến nhà chức trách buộc phải ra lệnh yêu cầu học sinh trên 11 tuổi đeo khẩu trang 1 tuần khi trở lại trường học nhằm hạn chế nguy cơ lây lan. “Việc sử dụng khẩu trang sẽ áp dụng từ cấp hai và cả ở những nơi đã thực hiện giãn cách xã hội. Còn có áp dụng ở ngoài trời không thì đó là quyết định của địa phương”, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho biết

Hôm thứ sáu, Bộ Y tế Pháp ghi nhận thêm 23 ca tử vong và 4.586 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Các chuyên gia y tế cho biết sự gia tăng số ca mắc mới không thể giải thích bằng việc xét nghiệm rộng rãi đang được thực hiện. Thực tế là số ca mắc mới tăng cao hơn đáng kể so với số ca xét nghiệm.

Khu nghỉ mát trượt tuyết Ischgl của Áo, nơi đã trở thành một trong những điểm nóng về virus coronavirus khi châu Âu chớm bùng nổ đại dịch, đã tuyên bố sẽ cấm tổ chức tiệc tùng trượt tuyết vào mùa đông sắp tới.

Hàng ngàn du khách quốc tế đã bị nhiễm virus ở Ischgl, thuộc bang Tyrol, miền tây Alpine, vào khoảng đầu tháng 3, sau đó mang virus về nhà. Nhiều người trong số họ đã nộp đơn khiếu nại chính quyền địa phương vì đã không hành động đủ nhanh, chẳng hạn như đóng cửa các quán bar vốn đầy khách uống rượu sau khi trượt tuyết. Hiệp hội du lịch của vùng Paznaun-Ischgl cho biết: “Sẽ không có bất kỳ lễ hội trượt tuyết nào như chúng ta biết vào mùa tới".

Có thể thấy khi dịch bệnh đang trở nên nghiêm trọng trở lại ở châu Âu thì các hình thức vui chơi giải trí không còn phù hợp để tiến hành. Và ngay cả những hoạt động thiết yếu như đi học cũng đang trở nên đáng cân nhắc.

Cho đến giờ ở châu Âu, Nga là nước có nhiều ca nhiễm nhất (thứ 4 thế giới) với 946.976 ca nhiễm và 16.189 ca tử vong. Tiếp theo là Tây Ban Nha (thứ 10 thế giới) với 386.054 ca nhiễm và 28.838 ca tử vong, Anh (thứ 12 thế giới) với 323.313 ca nhiễm và 41.405 ca tử vong, Ý (thứ 17 thế giới) với 257.065 ca nhiễm và 35.427 ca tử vong, Thổ Nhĩ Kỳ (thứ 18 thế giới) với 255.723 ca nhiễm và 6.080 ca tử vong, Pháp (thứ 19 thế giới) với 234.400 ca nhiễm và 30.503 ca tử vong, Đức (thứ 20 thế giới) với 233.021 ca nhiễm và 9.328 ca tử vong.

Theo Motthegioi

--

Chiều 22.8, Đà Nẵng ghi nhận thêm 5 ca mắc mới COVID-19, Việt Nam có 1014 bệnh nhân

Bản tin lúc 18 giờ của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết có thêm 5 ca mắc mới COVID-19 ở Đà Nẵng được ghi nhận. Hiện Việt Nam có 1014 bệnh nhân.

 Tính đến 18 giờ ngày 22.8, Việt Nam có tổng cộng 672 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25.7 đến nay là 527 ca.

chieu-228-da-nang-ghi-nhan-them-5-ca-mac-moi-covid-19-viet-nam-co-1014-benh-nhan

Thông tin về 05 ca mắc mới (BN1010-1014) tại Đà Nẵng được ghi nhận chiều 22.8:

CA BỆNH 1010 (BN1010): Bệnh nhân nam, 52 tuổi, có địa chỉ tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, có tiếp xúc gần với BN958.

CA BỆNH 1011 (BN1011): Bệnh nhân nữ, 38 tuổi, có địa chỉ tại phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, là tiểu thương tại chợ Tân Lập (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

CA BỆNH 1012 (BN1012): Bệnh nhân nữ, 69 tuổi, có địa chỉ tại phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, là tiểu thương tại chợ Siêu thị (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

CA BỆNH 1013 (BN1013): Bệnh nhân nữ, 51 tuổi, có địa chỉ tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng, là tiểu thương tại chợ Siêu thị (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

CA BỆNH 1014 (BN1014): Bệnh nhân nam, 60 tuổi, có địa chỉ tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, là thành viên Ban Quản lý Chợ Lầu Đèn (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Hiện cả 5 bệnh nhân này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.

Cũng trong chiều 22.8, có 16 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Trung tâm y tế Hòa Vang - TP Đà Nẵng, bao gồm: BN 491, BN 502, BN 569, BN 578, BN 639, BN 640, BN 656, BN 658, BN 727, BN 805, BN 806, BN 810, BN 885, BN 920, BN 937, BN 938.

Trong đó, BN 569 là sản phụ vừa được mổ đẻ. Trước đó, đêm 15.8, BN 569 là sản phụ mang thai nằm viện và được đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang phối hợp với các bác sĩ đến từ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng hội chẩn và đỡ đẻ thành công.

Đây được xem là một kết quả đáng khích lệ của ngành y tế và người dân Đà Nẵng trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nói về ca mắc COVID-19 cũng là sản phụ vừa được mổ đẻ, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang chia sẻ, đây quả thật là một kỷ niệm đáng nhớ của đội ngũ y bác sĩ trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Sau thời gian điều trị và có 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, 16 bệnh nhân trên đã đủ điều kiện để công bố khỏi bệnh. Các bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly tại nơi cư trú, và được cơ quan y tế địa phương theo dõi sức khỏe trong 14 ngày theo quy định phòng chống dịch.

Như vậy, đến thời điểm này có 563 bệnh nhân/1014 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.

Tính đến chiều ngày 22.8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 41 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 62 ca; số ca âm tính lần 3 là 35 ca.

- Số ca tử vong: 25 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...

Đà Nẵng sẽ khống chế được dịch vào cuối tháng 8

Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 21.8, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết tuần vừa qua, mỗi ngày thành phố ghi nhận 2 - 6 ca nhiễm COVID-19, đa số trong đó nằm trong sự kiểm soát. Hằng ngày, có 5 - 10 ca xuất viện, giảm tải được áp lực tại các bệnh viện.

TP.Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp đúng đắn, đồng bộ, kịp thời, tiến tới sẽ khống chế được dịch vào cuối tháng 8, lãnh đạo TP.Đà Nẵng nêu rõ. Về năng lực xét nghiệm, hiện công suất xét nghiệm của ngành y tế thành phố đạt khoảng 13.000 mẫu/ngày.

Đến nay, đã xét nghiệm 171.000 mẫu, xấp xỉ 1/3 số xét nghiệm cả nước nhờ tăng số lượng các cơ sở xét nghiệm và áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp nhóm. Năng lực xét nghiệm chính là "chìa khóa" giúp TP. Đà Nẵng "đón đầu", "ngăn chặn" việc lây nhiễm dịch.

Theo Motthegioi