Truy tìm lý do gia tăng ung thư tại VN

Thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một vấn đề vô cùng bức xúc tại Việt Nam hiện nay. Vẫn là vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi” với những vụ việc ngộ độc xảy ra thường xuyên, trong khi công tác kiểm soát và khống chế lại rất hạn chế.

Thực trạng lo lắng của người dân

Năm 2012 cả nước có 168 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) khiến 5.541 người bị ngộ độc, 34 người tử vong; năm 2013 có 5.348 người bị ngộ độc, 28 người tử vong trong 163 vụ NĐTP; Tính từ đầu năm 2014 cho đến nay, toàn quốc đã xảy ra 87 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.937 người mắc, 2.295 người đi viện và 19 trường hợp tử vong. Vụ việc gần đây nhất là ngày 29/10, 42 công nhân của công ty cổ phần xuất nhập khẩu thương mại Thịnh Phát Ocean tại xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang phải nhập viện do bị nghi ngộ độc thực phẩm.


Cảnh báo nguy cơ mất vệ sinh ATTP tại bếp ăn tập thể (ảnh Linh Ly H+)

Theo các chuyên gia, các con số thống kê này mới chỉ thể hiện các vụ ngộ độc tập thể và cấp tính mà thôi. Vấn đề thực phẩm bẩn, kém chất lượng gây hại cho sức khỏe người sử dụng một cách âm thầm, về lâu dài đây thật sự là điều đáng lo ngại cho cả cộng đồng. Các hóa chất độc hại nhiễm vào thực phẩm, sử dụng lâu ngày sẽ tích tụ có thể gây ung thư, mất trí nhớ… Thế nhưng ngộ độc mãn tính còn rất ít được quan tâm từ người dân cho đến cơ quan chức năng.

Nỗi lo của đông đảo nhân dân hiện nay về ATVSTP rất bức xúc. Nhìn chung, người dân không biết hoặc rất hoang mang trong cách chọn loại thực phẩm để đảm bảo ATVSTP. Thực phẩm ở chợ thông thường luôn được bày bán các mặt hàng thực phẩm có vẻ tươi ngon nhưng thực tế lại không phải như vậy. Nhiều cuộc kiểm tra cứ nhắm vào đâu thì ở đó hầu như lại phát hiện ra những lỗ hổng không an toàn. Vì thế, người dân không yên tâm khi mua ở chợ. Ngay cả ở siêu thị cũng có nhiều vụ việc gần đây bị phanh phui bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc bán thực phẩm đã quá data.

Vấn đề này đã được đặt ra rất nhiều trong một cuộc họp gần đây về “Vệ sinh an toàn thực phẩm trong tình hình hiện nay - thực trạng và giải pháp” với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng.


Nhức nhối các vụ ngộ độc thực phẩm (ảnh minh họa)

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM đã thừa nhận: lượng nông sản, thực phẩm đưa vào tiêu thụ ở TP mỗi ngày chiếm 80%, nhưng chưa kiểm soát được nguồn gốc. Việc kiểm soát chủ yếu là qua test nhanh và lấy mẫu tại 3 chợ đầu mối, nhưng số lượng mẫu lấy không nhiều, không mang tính đại diện; tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép, việc giết mổ gia súc gia cầm trái phép vẫn diễn ra. Gia súc gia cầm kém chất lượng vẫn tiếp tục đổ về TP.HCM qua các cửa ngõ, các tỉnh lân cận, khó kiểm soát; tình trạng dùng nguyên liệu kém chất lượng trong chế biến suất ăn sẵn...

Còn theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM cho biết: việc quản lý chất lượng các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng trong nước vẫn còn lỏng lẻo, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Chúng ta chưa quản lý được phụ gia thực phẩm, hóa chất, phụ gia thực phẩm bày bán chung với hóa chất, phụ gia dùng cho công nghiệp, tạo điều kiện cho việc mua bán hóa chất, phụ gia kém chất lượng, dẫn đến nguy cơ NĐTP...”.

Năng lực kiểm soát vô cùng hạn chế

Những con số biết nói trên đây hẳn cũng làm giật mình và động chạm đến nhiều cơ quan, ban ngành chức năng. Dù đã và đang có nhiều nỗ lực để khắc phục tình trạng này song dường như vẫn minh chứng cho sự thật: Năng lực kiểm nghiệm, kiểm soát về vấn đề này rất hạn chế, thậm chí yếu kém.

Hiện nay, có 2 vấn đề yếu kém khiến nguy cơ gây ngộ độc trầm trọng, đó là việc chưa quản lý riêng và chặt chẽ phụ gia thực phẩm để bày bán chung với hóa chất công nghiệp, tạo điều kiện mua bán hóa chất dễ dàng. Thứ hai, nhiều hóa chất và thực phẩm không rõ nguồn gốc được nhập lậu liên tục với số lượng lớn qua biên giới là một thách thức không nhỏ để bảo đảm an toàn thực phẩm.


Những vụ việc như vậy luôn ám ảnh người dân (ảnh minh họa)

Việc kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm vận chuyển vào thành phố là một vấn đề khó khăn, có khoảng 80% các loại nông sản thực phẩm được tiêu thụ tại TP.HCM do các tỉnh thành khác cung cấp. Việc kiểm soát nuôi trồng tại những nơi này là không thể thực hiện. Ngoài ra, việc kinh doanh, giết mổ gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc, không phép vẫn còn tồn tại. Nguồn gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn tiếp tục được vận chuyển về thành phố thông qua các cửa ngõ và các tỉnh lân cận rất khó kiểm soát.

GS Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết: “Phần lớn các phương tiện kiểm nghiệm hiện có trong nước chủ yếu kiểm nghiệm các hóa chất cụ thể mà ta nghi ngờ nhắm đến, chứ không cho phép nhận diện các chất lạ, độc hại khác hiện diện trong thực phẩm”.

Lượng hóa chất, phụ gia trên thị trường rất đa dạng, vì vậy các cơ quan chức năng không thể có đủ năng lực để tầm soát, mà chỉ đơn giản tầm soát những chất do Bộ Y tế quy định. Trong thời gian qua công tác tầm soát chủ yếu dựa vào cảnh báo của nước ngoài. Ngoài ra, hạn chế trong công tác kiểm soát ATVSTP còn là do thiếu nguồn lực vật chất như hệ thống kho lạnh nên không có điều kiện lưu giữ đối với các mặt hàng cần thử nghiệm kịp thời.

Nguy cơ mắc ung thư từ thực phẩm không an toàn

Có trên 200 loại ung thư khác nhau. Ung thư là nguyên nhân gây chết người thứ hai sau tim mạch. Thực phẩm chúng ta dùng hàng ngày có tác động rất lớn tới sức khỏe. Đối với bệnh ung thư, một số thực phẩm sẽ kích thích các khối u ác tính phát triển nhanh, ngược lại một số loại thức ăn lại giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh.

TS Trần Văn Thuấn, phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, nguyên nhân gây bệnh ung thư có rất nhiều nhưng chắc chắn có sự ảnh hưởng từ môi trường, trong đó chế độ dinh dưỡng không hợp lý đóng một vai trò quan trọng. Khoảng 30 – 35% nguyên nhân mắc bệnh ung thư là do thực phẩm.

Khi cơ thể nạp đồ ăn từ những thực phẩm có hóa chất độc hại, cơ thể không có khả năng tự đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa mà tích tụ lại trong gan, tủy, xương, mô… hoặc ngấm vào các cơ quan nội tạng khác. Những hoá chất độc hại được sử dụng trong bảo quản rau, củ, quả sẽ làm biến đổi gene, khiến những tế bào của cơ thể phát triển bất thường, đây là căn nguyên dẫn tới bệnh ung thư.

GS. TS Nguyễn Bá Đức, viện trưởng Viện nghiên cứu ung thư cho hay, bằng các chứng minh về dịch tễ học và thực nghiệm người ta đã chứng minh được chế độ ăn có liên quan tới 30-40% ung thư ở nam và tới 60% ung thư ở nữ. Ung thư dạ dày liên quan chặt chẽ với khẩu phần ăn chứa nhiều chất hun khói, chất bảo quản thực phẩm và ít hàm lượng rau, hoa quả tươi. Chế độ ăn nhiều chất béo, ít hoa quả làm tăng tỷ lệ chết do ung thư tiền liệt tuyến, đại trực tràng, vú… Bản thân thực phẩm không gây ung thư nhưng hiện nay các chất bảo quản thực phẩm, các chất trung gian chuyển hóa, các chất sinh ra từ nấm mốc có trong thực phẩm là nguyên nhân gây ung thư cao.

Khánh Phương 
theo Xây dựng