Vào nơi để biết sức khỏe đáng giá ngàn vàng

Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày có vài trăm người bệnh vào để chạy thận thay ca nhau liên tục trong nhiều giờ. Nằm mòn mỏi chờ lọc máu hầu như ai cũng có ánh mắt mệt mỏi.

Vào nơi để biết sức khỏe đáng giá ngàn vàng

Bệnh nhân chạy thận từ tốn gấp quần áo, chăn màn để mang về cho ca chạy thận sau

Mong vào viện như mong mẹ về chợ

Tôi theo chân một bệnh nhân vào khoa Thận Nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai với tư cách người nhà vào cùng. Chị L. - đang trú tại xóm chạy thận đường Giải Phóng Hà Nội vừa dẫn tôi đi vừa kể cho chúng tôi nghe về hành trình chạy thận cũng như cuộc sống trong bệnh viện của họ như thế nào.

Mỗi ngày từ 10 giờ sáng chị lại vội vàng khăn gói quả mướp để vào bệnh viện chạy sự sống. Với những người chạy thận như chị, buổi sáng vào bệnh viện chạy thận là những buổi cơ thể đã rất mệt mỏi rồi.

Gắng gượng bước đôi chân qua cầu vượt người đi bộ Bệnh viện Bạch Mai, chị L. kể sau hai ngày không chạy thận, chất độc tồn ứ, không đi tiểu được nên chị mệt lắm, chỉ mong nhanh đến giờ vào bệnh viện.

Khoa Thận nhân tạo nằm tại tầng 3. Những bậc thang đi bộ với người khỏe mạnh còn mệt nên với họ cố bước thật nhanh cho lên đến khoa. Mỗi người một túi xách bao gồm quần áo bệnh viện đồ dùng cá nhân mang vào cho 4 tiếng nằm chạy máu.

Vừa trải chiếc ga giường, chị L. kể cách đây 9 năm chị thấy người mệt mỏi, cảm giác sụt cân nhiều. Chị đi khám, bác sĩ bảo chị bị viêm cầu thận, tiểu ra đạm. Chị điều trị bệnh 2 năm rồi sau đó bệnh chuyển sang suy thận mãn tính. Từ đó đến nay, chị đóng cửa hàng cắt tóc, gội đầu của mình ở quê lên Hà Nội chạy thận.

Ngó sang giường bệnh cạnh là giường bệnh nhân Nguyễn Văn H. trú tại Hưng Yên. Anh đang vội vàng mặc quần áo bệnh nhân để lên giường chạy thận. Bệnh nhân H. cho biết ông chạy thận từ 5 năm nay. Hàng tuần chạy vào thứ 2,4, 6. Nhà cách bệnh viện 55km nên ông di chuyển bằng xe máy, hôm thì đi xe buýt.

Ông tâm sự, còn sức khỏe thì đi xe máy, vài năm nữa không đi được chắc ông lên Hà Nội ở trọ để chạy thận. Ông chạy thận tại khu C, vẫn chiếc giường ca trước. Hầu như bệnh nhân đi chạy thận theo cữ giờ nhất định nên không ai bảo ai giường bệnh trở thành giường quen của họ.

Vào nơi để biết sức khỏe đáng giá ngàn vàng

Bà Bùi Thị H. 82 tuổi, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội chạy thận nhân tạo 5 năm nay kể bà già rồi còn phải đi chạy sự sống. Một tuần 3 ngày chạy thận, bà chạy vào thứ 2,4, 6 nhưng cứ đến buổi tối hôm trước là bà thấy mệt lắm. Có hôm còn sốt không ăn được nên bà mong được vào bệnh viện như mong mẹ về chợ. 

Vào đến viện, bà nhanh nhẹn bỏ đồ dùng ra để lên giường. Bà làm gì nhanh nhất có thể để thải độc ra. Nhìn đôi tay của người phụ nữ đã ngoài 80 tuổi nổi những u cục là cầu để lọc máu nhiều người cũng thương bà cụ.

Nơi giàu nghèo cũng thành khánh kiệt

Ông Vũ Văn Th. quê ở Hải Dương tâm sự ông là bệnh nhân chạy thận 7 năm nay. Căn bệnh khiến ông từ chỗ có của ăn, của để giờ thành hộ nghèo của thôn.

Ngày trước, ông công tác trong tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, làm việc tại Quảng Ninh. Đang lúc độ tuổi thành công nhất thì ông phát hiện mình bị suy thận độ 3 và chuyển sang chạy thận từ đó đến nay. Từ chỗ gia đình khá giả, mấy năm đi viện, vợ lên chăm sóc tiền của gia đình cứ đội nón ra đi.

Lương hưu về trước tuổi của ông được gần 3 triệu chỉ đủ ông mua thuốc và nộp viện phí. Tiền ăn ở của hai vợ chồng chi tiêu tiết kiệm mỗi tháng cũng mất thêm 4 triệu đồng nữa. Không còn sức khỏe để đi làm. Vợ ông ai thuê việc gì làm việc đó. Tiền không làm ra mà chữa bệnh nên chẳng mấy tý vốn liếng gia đình ra đi hết.

Con cái học hành dang dở khi nghe tin bố mắc bệnh suy thận. Cứ nghĩ đến bệnh của mình, ông Th. thở dài. Vợ của ông tâm sự "chồng tôi bị bệnh nên khó tính lắm. Ngày xưa anh dễ tính bao nhiêu giờ thay đổi khó bấy nhiêu. Có thể, chồng tôi thấy bế tắc vì tiền chữa bệnh đã hết mà bệnh không khỏi".

Một y tá của khoa cho biết hầu hết bệnh nhân ở đây đều khó khăn. Nếu trước họ giàu có thì mắc căn bệnh này vài năm cũng thành nghèo hết.

Không ai bảo ai, bệnh nhân cũng mỗi người một việc. Họ tự đi lấy cồn về sát khuẩn cầu tay để y tá giúp họ lắp các dây rợ đưa vào máy lọc máu. Những tiếng kêu tít tít của máy chạy thận mùi cồn, những tiếng thở dài của bệnh nhân và người nhà càng khiến khu chạy thận thêm ảo não, nặng nề hơn.

Vào tới đây rồi, nhiều người mới thấm thía sức khỏe là ngàn vàng bởi có tìm kiếm sự sống, tìm kiếm lại sức lực cho bản thân mới cảm nhận được điều đó - y tá của khoa nói.

Theo Khánh Ngọc (infonet)