Viết tiếp bài "Tội lỗi mang tên URC": Tội lỗi hay tội ác?

Ngày 31/5, Thanh tra Bộ Y tế đã ra Quyết định số 50/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty TNHH URC Hà Nội (URC) số tiền 5,826 tỷ đồng do những vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất và đã có hành vi bán nước trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu bị nhiễm độc chì vượt ngưỡng công bố.

Dư luận phẫn nộ về “kẻ giết người thầm lặng”

Cụ thể, URC bị xử phạt vì 2 kho bảo quản sản phẩm là Hataco và Lan Khoa không bảo đảm kín để phòng chống động vật gây hại; Khu vực bảo quản hàng chờ hủy, hàng hư hỏng do vận chuyển tại kho Hataco không được bố trí cách biệt với khu vực thành phẩm; Sản xuất 2 lô trà xanh hương chanh C2 (sản xuất ngày 4/2/2016) và lô nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu (sản xuất ngày 10/11/2015) có hàm lượng chì cao quá mức công bố. Đặc biệt, 2 lô hàng này bị nhiễm độc chì cực mạnh đã được URC bán ra thị trường, không thể thu hồi, có giá trị khoảng 3,9 tỷ đồng; với lỗi này URC bị phạt 5,81 tỷ đồng.

Trả lời Báo Người Tiêu Dùng về mức phạt này, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết việc Thanh tra Bộ Y tế ra quyết định xử phạt về hành vi vi phạm của Công ty URC như đã ghi trong Quyết định số 50/QĐ-XPVPHC căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và những quy định về pháp luật. Ông Nhiên cũng khẳng định việc xử phạt URC là đúng luật, đúng tội.

Dù trước đó URC có chống chế, lấp liếm và cố bưng bít như thế nào nhưng một khi quyết định xử phạt của Bộ Y tế được ban hành có nghĩa là những hành vi vi phạm của URC Việt Nam đã được xác lập; đồng thời hai sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì cực nguy hiểm đã được thừa nhận.

Mức phạt gần 6 tỷ đồng được cho là cao nhất từ trước đến nay về xử phạt vi phạm hành chính và cơ quan quản lý nhà nước cũng đã khẳng định việc xử phạt là đúng luật, đúng tội và URC không thể thoát được kiếp nạn này.

Tuy nhiên, theo dư luận, mức phạt trên chỉ như muối bỏ biển, chưa đủ “gãi ngứa” URC, chưa thể hiện được mức độ nghiêm trọng của sự việc. Bởi, sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng (NTD) đã sử dụng những sản phẩm độc hại trên sẽ như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm?... Về vấn đề này thì chưa thấy URC và cơ quan quản lý nhà nước đề cập tới. Điều đó càng khiến dư luận thêm phẫn nộ.

Ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết có đến hơn 40.000 thùng trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ nhiễm độc chì đã được tiêu thụ gần hết, địa bàn tiêu thụ trải dài ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. URC chỉ thu hồi được gần 1.200 thùng, chủ yếu là lô C2 sản xuất vào tháng 2/2016. Số hàng thu hồi được đã được tiêu hủy vào chiều 31/5 dưới sự giám sát của Thanh tra Bộ Y tế, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an).

Những con số trên là do URC báo cáo còn thực tế như thế nào thì chỉ có URC biết rõ. Theo các nguồn tin lan tràn trên mạng, số lượng sản phẩm nhiễm độc đã tiêu thụ còn cao hơn nhiều.

Công ty TNHH URC Việt Nam thuộc tập đoàn Universal Robina Corporation (URC) - một tập đoàn sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồ uống hàng đầu Philippines. URC đầu tư vào Việt Nam hơn 10 năm nay với ban quản lý chủ yếu là các chuyên gia tới từ Philippines và Ấn Độ. Ngoài C2 và Rồng đỏ đang được cho là “những kẻ giết người thầm lặng” thì URC còn sản xuất và phân phối nhiều mặt hàng khác như: Bánh Cream - O, Magic, Piatos, Funbite, Kẹo Dynamite…

Được biết câu chuyện về “những kẻ giết người thầm lặng” gây chấn động dư luận Việt Nam trong thời gian qua cũng đã lan đến quê nhà của URC tại Philippines và các nước trong khu vực. Trên nhiều diễn đàn mạng tại Philippines, nhiều người dân nước này cũng tỏ ra lo lắng và mất niềm tin vào các sản phẩm của URC.

viet-tiep-bai-toi-loi-mang-ten-urc-toi-loi-hay-toi-ac

Cần thanh tra toàn diện URC

Khi sự thật bị phanh phui, URC vẫn cố tình lấp liếm và quay lưng với quyền lợi của NTD là thái độ không bao giờ chấp nhận được. Đây là ý kiến chung của nhiều NTD khi được hỏi về C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì.

Bên cạnh đó, đông đảo NTD cũng cho rằng cần đánh giá nghiêm túc trách nhiệm của URC lẫn cơ quan quản lý nhà nước khi chậm trễ công bố thông tin và thu hồi các lô hàng có hàm lượng chì cao.

Một nhóm các bạn sinh viên tại Hà Nội khi được hỏi về bê bối sản phẩm của URC nhiễm độc chì đang đe dọa sức khỏe hàng triệu NTD Việt, trong đó phần nhiều là trẻ em, các bạn đều tỏ rõ sự bức xúc khi cho biết mình đã từng sử dụng C2 hoặc Rồng đỏ gần như là mỗi ngày, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng hay những lúc hoạt động thể chất nhiều. Kể từ ngày dư luận nổi sóng vì hai sản phẩm này nhiễm độc chì cực mạnh thì các bạn đã ngưng sử dụng và cho biết sẽ tẩy chay hoàn toàn các sản phẩm của URC nói chung và C2, Rồng đỏ nói riêng.

“Quá độc ác! Thay vì khi xảy ra sự cố, chưa biết mức độ nguy hại như thế nào, nếu là doanh nghiệp có trách nhiệm, những người điều hành, quản lý có lương tri thì trước hết URC phải thông tin rộng rãi để NTD được biết và lựa chọn uống hay không uống tiếp chứ. Bọn mình thường xuyên lên internet thì biết mà ngưng uống, chứ gọi điện về nhà chẳng ai biết vụ này cả, có biết thì biết qua loa, mấy đứa em vẫn uống như thường. Thật là nguy hiểm!”, bạn Phương bức xúc.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, một kỹ sư hóa tại TP.HCM cho biết ông chưa bao giờ uống các thức uống công nghiệp này vì nỗi lo đái tháo đường đang rình rập nhưng các con ông thì uống chúng thường xuyên và ông không kiểm soát được.

Ông mong muốn các cơ quan chức năng cần tổng lực thanh tra toàn diện các nhà máy của URC và tất cả lô hàng của URC hiện đang lưu hành trên toàn quốc. Đồng thời, phải thắt chặt kiểm tra toàn bộ các công ty sản xuất nước uống đóng chai, nước ngọt… để bảo đảm chất lượng sản phẩm, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của NTD, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ông Hoàng cũng cho rằng, nên gọi bê bối này là Tội ác mang tên URC thì phù hợp hơn là “Tội lỗi mang tên URC” như Báo Người Tiêu Dùng từng lên tiếng. Theo lý luận của ông Hoàng thì một công ty có quy mô và đầu tư như URC chắc chắn có áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng trong quản lý sản xuất như ISO, HACCP… Mặt khác URC cũng phải có phòng nghiên cứu và kiểm nghiệm nội bộ, rất khó để tin là URC không biết sản phẩm của mình nhiễm độc chì ở một mức quá lớn như vậy.

viet-tiep-bai-toi-loi-mang-ten-urc-toi-loi-hay-toi-ac

 

viet-tiep-bai-toi-loi-mang-ten-urc-toi-loi-hay-toi-ac

Một bạn đọc (ảnh) cho rằng: “Đọc báo thấy hằng hà thông tin về URC nhiễm độc chì cực mạnh, URC hối lộ để thay đổi sự thật... URC là ai mà dám manh động vậy? Nghĩ mà run!”

Luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng: Cần xem xét trách nhiệm các cơ quan quản lý

Đánh giá về quyết định xử phạt URC gần 6 tỷ đồng vừa qua của Bộ Y tế, luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng), cho rằng vụ việc chưa thể được coi là giải quyết xong. Vì quyết định xử phạt này chưa tính đến hậu quả sức khỏe của NTD bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm nhiễm độc chì của URC gây ra.

Hậu quả này là vô cùng lớn và kéo dài, không lường trước được trong hiện tại. Chúng ta chưa có tiền lệ xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh bất chính, là một trong những nguyên nhân để doanh nghiệp không cảm giác run sợ khi làm điều trái luật, làm việc trái lương tâm.

viet-tiep-bai-toi-loi-mang-ten-urc-toi-loi-hay-toi-acLuật sư Lê Cao, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng

Trong trường hợp nếu NTD chứng minh được mình bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do ảnh hưởng của những lô hàng của URC thì có quyền tự mình khởi kiện hoặc đề nghị các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi của NTD tiến hành khởi kiện URC, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến sức khỏe của mình.

Về mặt pháp lý, việc sản xuất sản phẩm gây nguy hại đến sức khỏe của NTD, không bảo đảm an toàn thực phẩm trước hết bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP, ngày 14/11/2013.

Đồng thời, trường hợp hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) đối với các cá nhân có liên quan.

Đến ngày 1/7 tới đây, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, tại Điều 317 cũng quy định “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” với những nội dung cụ thể, chi tiết hơn. Đồng thời trong Điều luật cũng đã nêu tình tiết “phạm tội có tổ chức” là một tình tiết định khung tăng nặng để bảo đảm xử lý nghiêm hành vi này.

Luật sư Cao cũng bày tỏ quan điểm cần xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Nếu tiếp tục quản lý theo kiểu báo chí thông tin, người dân kêu cứu mới nhảy vào thanh kiểm tra như hiện nay thì NTD thường rơi vào trường hợp bị đầu độc trước rồi doanh nghiệp mới bị phạt. Mà nhiều doanh nghiệp họ đã cố ý làm trái thì phạt lúc này không có nghĩa lý gì.

Theo NTD