Khách thờ ơ với hàng tồn giảm giá sốc

Tết Nguyên đán đã qua được hơn một tuần tuy nhiên trên thị trường vẫn còn tồn đọng khá nhiều mặt hàng phục vụ Tết. Dù đã giảm giá để tăng sức mua nhưng người tiêu dùng vẫn không mấy mặn mà.

khach-tho-o-voi-hang-ton-giam-gia-soc
Các shop thời trang giảm giá sốc sau Tết. Ảnh: Kh.Hải

Ê hề bánh kẹo cân, đồ khô

Dạo một vòng quanh thị trường bán lẻ sau Tết trên địa bàn Hà Nội, các mặt hàng tồn đọng chủ yếu là bánh kẹo, đồ khô và hàng thời trang. Thời điểm trước Tết nhu cầu mua sắm của người dân đối với những mặt hàng này tăng rất cao, vì thế các cửa hàng thường nhập về với số lượng lớn. Tuy nhiên, năm nay do xu hướng mua sắm Tết của người dân có sự thay đổi, yêu cầu về sản phẩm của người tiêu dùng cũng khắt khe hơn, dẫn đến nhiều nơi bị tồn đọng hàng.

Chị Trần Thị Hạnh, chủ một cửa hàng tạp hóa tại phường Mỹ Đình 2 (Q. Nam Từ Liêm) cho biết: “Năm nay khách hàng chủ yếu lựa chọn bánh kẹo của những thương hiệu lớn, có uy tín. Các loại bánh kẹo cân gần như không có người mua nên còn tồn đọng khá nhiều”. Chị Hạnh cho biết thêm: “Năm nay người dân thích chuyển sang chơi đồ trang trí độc lạ nên các loại bánh kẹo trang trí không còn hút hàng như trước. Mọi năm các loại bánh kẹo được trang trí hình thỏi vàng, thuyền vàng, thần tài… rất đắt khách nhưng đến năm nay lượng người mua giảm đi rất nhiều”.

Cũng gặp phải tình trạng tồn đọng hàng Tết, chị Nguyễn Hồng Nhung, một tiểu thương ở chợ Cầu Giấy cho hay: “Các giỏ quà bánh kẹo đóng sẵn bị thừa lại khá nhiều. Hàng bán được đa phần đều là của các thương hiệu lớn, đã có uy tín trên thị trường, mẫu mã bắt mắt. Các giỏ quà gia công tuy giá cả thấp hơn nhưng chẳng mấy ai ngó ngàng vì chất lượng không được đảm bảo. Ngoài ra, năm nay người tiêu dùng có xu hướng tự lựa chọn từng mặt hàng trước khi đóng thành giỏ quà để an tâm về nguồn gốc và chất lượng”.

Đối với mặt hàng thời trang, tình trạng tồn kho, ế hàng vẫn xảy ra cho dù trước Tết các cửa hàng đồng loạt khuyến mại, giảm giá sốc. Bạn Khánh Huyền - nhân viên một cửa hàng thời trang trên đường Cầu Giấy cho biết: “Các đợt giảm giá cuối năm thực chất chỉ là một chiêu xả hàng tồn kho, hàng kém chất lượng của cửa hàng nhằm thanh lý hàng trước khi hết năm. Vì năm nào các cửa hàng cũng tiến hành giảm giá cuối năm nên cách thức bán hàng này đã không còn lạ với người tiêu dùng. Nhiều người mua hàng không còn quá thiết tha với các đợt xả hàng nên sau Tết hàng vẫn còn tồn đọng lại khá nhiều”.

Nhiều chiêu “đẩy” hàng tồn đọng

khach-tho-o-voi-hang-ton-giam-gia-soc
Các shop không những sale off mà còn tặng quà.

Trước việc sau Tết hàng tồn đọng nhiều, các cửa hàng đều áp dụng chiêu “xả hàng, giảm giá” để thanh lý hàng tồn. Theo chị Hạnh đối với các mặt hàng tồn đọng khó bán chị đã giảm giá bán xuống gần một nửa, sát với giá nhập nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn, lượng hàng tồn bán từ đầu năm tới nay vẫn chưa hết.

Hạ giá cũng là cách mà chị Nhung lựa chọn để nhanh thanh lý hàng: “Hàng Tết còn đọng lại đa phần đều là hàng ít tên tuổi, muốn bán nhanh bắt buộc phải giảm giá mạnh thu hút những người có thu nhập thấp không mấy dư dả. Còn đối với các giỏ quà Tết đọng lại tôi xé lẻ để bán riêng, thu lại được tí nào hay tí đấy”.

Sau Tết, nhu cầu mua sắm giảm dần, các shop thời trang đua nhau tung ra những chiêu khuyến mãi hấp dẫn để thanh lý hàng. Ngoài hình thức khuyến mại giảm giá còn có các chiêu hấp dẫn khác như “mua 1 tặng 1”, “mua 2 tặng 1”. Đặc biệt nhiều cửa hàng còn đua nhau bày la liệt các sản phẩm như quần áo, giày dép, túi xách, các phụ kiện thời trang... ngay trên vỉa hè để thu hút khách hàng ghé mua. Mặc dù vậy, không khí mua sắm tại các gian hàng này diễn ra khá buồn tẻ, đôi lúc chỉ có lác đác người vào xem rồi ra về mà không mua.

Chị Phương, chủ shop thời trang trên đường Xuân Thủy – Cầu Giấy cho biết: “Sau Tết là thời điểm quần áo khó bán, để có thể thu hồi vốn, nhập hàng xuân hè cửa hàng bắt buộc phải khuyến mại kích cầu, trong đó giảm mạnh nhất là quần áo đại hàn nếu không muốn bị tồn lại”. Chị Phương cho biết thêm cửa hàng chị đã giảm giá từ trong Tết nhưng lượng khách đến mua khá èo uột. Để có thể nhanh chóng thanh lý hàng tồn chị quyết định kéo dài khuyến mãi đến hết tháng 2 nhưng từ khi mở lại cửa hàng (mùng 6 Tết) đến nay tình hình vẫn không mấy khả quan.

Về bản chất, việc khuyến mại, giảm giá mạnh là làm lợi cho người tiêu dùng. Thế nhưng, do không có cớ để khuyến mại, nhiều cửa hàng đã nâng giá cao rồi khuyến mại quá đà hoặc hàng khuyến mại giảm giá chủ yếu là hàng kém chất lượng, lỗi mốt dẫn tới người tiêu dùng nghi ngờ hàng khuyến mại. Nhiều người được hỏi cho biết giờ thấy nơi nào giảm giá khủng đều nghĩ đó là hàng kém chất lượng, hàng hết “đát”, hay chỉ là chiêu câu khách. Việc mất lòng tin này của khách hàng đang gây nhiều bất lợi cho người bán, nhất là những địa chỉ uy tín muốn giảm giá khuyến mại tri ân với khách hàng những mặt hàng chất lượng tốt.

Theo nhận định của những người bán hàng, sau Tết mặt hàng bánh kẹo rất khó bán vì trong Tết nhà nào cũng có nhiều, ai cũng đã ngán. Ngoài ra tâm lý người mua hàng cho rằng hàng tồn thường có chất lượng không đảm bảo nên càng khó hơn. Cho dù đã giảm nửa giá so với trước kia vẫn không có nhiều người tiêu dùng mặn mà.

Theo Khánh Hải (GĐXH)