Chuẩn bị hàng chục đạo cụ, sẵn sàng tranh vị trí có khung hình đẹp nhất, nói chuyện không ngừng nghỉ 4-5 tiếng đồng hồ… đội hàng trăm YouTuber đã túc trực xuyên đêm để "cày view" vụ bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng cho "kênh" của mình.
"Sắp mở rào cả nhà! Chuẩn bị tôi sẽ cho mọi người chứng kiến cận cảnh căn biệt thự nơi bà Phương Hằng bị bắt" - tiếng một YouTuber vang lên. Trên tay ông, 2 chiếc điện thoại đã mở livestream sẵn, hàng loạt tin nhắn nổ ra khi lực lượng chức năng vừa mới bắt đầu dỡ bỏ rào chắn đường Nguyễn Thông (quận 3, TPHCM), lúc 0h ngày 25/3.
Phía sau, người dân đã "thủ" sẵn xe, ồ ạt chạy tìm vị trí đẹp để có thể chiêm ngưỡng toàn bộ căn biệt thự nơi bà Hằng ở. Thậm chí, họ sẵn sàng bỏ xe, chạy bộ vào bên trong để trở thành người đón đầu thông tin nóng hổi nhất.
"Đây! Đây chính là căn biệt thự của bà Nguyễn Phương Hằng! Trước nó là nhà hát múa của dân tộc Chăm. Bà ấy có căn nữa đang khám xét nha quý vị" - lời tường thuật vang to hơn qua chiếc điện thoại.
Cứ thế, suốt 4 tiếng sau tin bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố và bắt tạm giam, đội ngũ hàng trăm YouTuber và người dân nhất quyết bám trụ hiện trường, cập nhật tin tức một cách nhanh chóng.
Anh B. (một YouTuber ngụ ở quận Bình Thạnh) chia sẻ vào nghề hơn 5 năm. Kênh của anh chủ yếu đưa tin sự kiện nên những vụ án nóng như thế này luôn là cơ hội tốt để kiếm tiền, quảng bá và nâng cao lượt tương tác.
"Trước đây mình làm đủ nghề, công nhân, phụ hồ,… hay lấy điện thoại quay chơi, ai ngờ tạo được 4 kênh Youtube trên 100.000 lượt theo dõi, có thu nhập ổn nên theo luôn" - anh B. kể.
Hơn 19h ngày 24/3, đọc thông tin qua báo đài, anh B. đoán định sẽ có buổi tụ tập đông người dân tại hiện trường khám xét, nên tức tốc chuẩn bị dụng cụ. Trước tiên, anh đăng ký gấp một gói cước 4G cao tiền nhất để tránh không bị mất sóng, tiếp theo là 2 chiếc điện thoại, gậy livestream, sạc dự phòng… và lên đường "cày view".
"Bình thường vụ thế này phải có 100 YouTuber cùng thực hiện. Nếu chơi chung, chúng tôi sẽ chia sẻ thông tin cho nhau, còn không mạnh ai nấy làm. Cùng kiếm tiền cả nên anh em rất đùm bọc, thậm chí share livestream giúp đỡ" - anh B. nói.
"20h30, toàn bộ đường Nguyễn Thông đã được rào chắn nha mọi người! Bên ngoài này, người dân tụ tập đông lắm. Ai rảnh có thể ra đây..." - vừa gạt chân chống xe, anh T. đã cập nhật ngay lập tức.
Chỉ sau vài phút đồng hồ, livestream của anh vượt 1.000 người cùng xem. Con số được anh B. đánh giá khả quan.
"Để tạo hiệu ứng thêm, anh đã dùng nhiều page facebook khác của mình để chia sẻ. Qua 20 phút, con số lên 5.000. Rất ổn! Nhưng khả năng bị rào, không có sự kiện gì mới, rất khó giữ chân độc giả" - anh B. nói.
Nói xong, anh B. đã len vào giữa đám đông. Anh liên tục tìm kiếm phụ nữ, người già để đặt câu hỏi qua livestream. Bắt được nhân vật cởi mở, anh B. không ngần ngại tiếp chuyện hơn 20 phút để tương tác qua sóng livestream. "Phải hỏi nhiều câu mang ý kiến chủ quan để độc giả phản bác. Nhưng quá trình này, tụi anh cũng cân nhắc vì nhiều người manh động, nói từ phản cảm, độc giả rất dễ bỏ kênh" - anh B. nói thêm.
"Không có chủ đích đi làm sự vụ hôm nay, nhưng hơn 5.000 người là cơ hội tốt giúp anh quảng bá kênh Youtube của mình, nên anh không ngần ngại mà vào ngay", anh T. cho biết.
Anh H.X.T. đang học thêm chứng chỉ báo chí để nâng cao nghiệp vụ khi hành nghề. Trong nhiều lần tác nghiệp thực tế, thấy nhu cầu xem trực tiếp những vụ án nóng từ cộng đồng mạng, anh đã đầu tư máy móc, điện thoại và dùng Youtube làm "cần" kiếm sống của mình. Thế nhưng, vì không có giấy tờ gì để chứng minh công việc, các YouTuber như anh gặp không ít khó khăn trong khi làm việc.
"Người dân chửi, lực lượng chức năng giải tán. Nếu tự ái tụi anh bỏ nghề từ lâu. Nhưng làm quen thì phải tìm đủ cách, núp sau trụ điện, gốc cây để tiếp tục quay. Đã là cái nghề, mình làm sao cho thật tích cực là được" - anh T. nói thêm.
Đến 0h, độc giả dần dần rời bỏ livestream, nhiều YouTuber đành bỏ cuộc, rời khỏi hiện trường. Thế nhưng, nhiều người vẫn cố gắng nán lại tìm kiếm thông tin mới. Thậm chí họ cho rằng nếu vụ án diễn ra hơn 2h đêm, họ sẵn sàng chờ đợi.
"Lực lượng YouTuber rất đông, mỗi người trong đó đều có chiến thuật riêng. Nếu cạnh tranh không hiệu quả, anh có thể tắt live, chờ đến sau cùng, hoặc quay lại vào ngày mai để làm vụ sau một ngày bà Phương Hằng bị bắt…" - anh T. cho biết chiến thuật của mình trong việc "câu view" thông tin vụ bà Phương Hằng cho kênh.
Thậm chí, để tạo sự hứng thú cho mỗi video, bên cạnh làm nghề, các YouTuber phải học thêm về kỹ năng cắt ghép hình ảnh, chèn nhạc… ngay tại chỗ qua điện thoại. Sau 0h, lượt tương tác bị đuối, họ lập tức sang chiến thuật "nguội". Tức sẽ quay clip ngắn, dựng và đăng tải trên kênh Youtube để độc giả có thể xem toàn cảnh lần nữa vào ngày mai.
Anh H.X.T cho biết hiện nay, công nghệ quyết định rất nhiều công việc livestream nên nhiều YouTuber còn sẵn sàng chuẩn bị 2-3 điện thoại cho 2-3 kênh livestream cùng lúc. Còn người có duyên ăn nói thì tương tác không ngừng nghỉ với độc giả nhằm kích thích sự tò mò.
"Riêng vụ bà Nguyễn Phương Hằng, tụi anh biết sẽ có người ủng hộ và người phản đối. Vì vậy, tụi anh phải đứng ở vị trí trung lập, đưa cả 2 luồng ý kiến để cư dân mạng phải lên tiếng, tranh cãi nhằm đẩy cao tương tác.
Nếu trong một khoảng thời gian mà hiện trường không thay đổi, tụi anh phải liên tục di chuyển tìm góc quay mới, những chuyện chẳng liên quan, khơi gợi bức xúc từ người dân để chính họ là người phản ánh vụ việc" - anh B. cho biết thêm.
Kết thúc gần 4 tiếng livestream, anh T. vẫn nán lại. Trên kênh Youtube, con số 1.000 người đang xem sau 0h khiến anh tiếc rẻ.
"Công việc này có cực đấy, di chuyển nhiều, chưa ai coi trọng, nhưng đổi lại chủ động thời gian, tiền bạc cao hơn xưa anh làm công nhân… Đối với anh, chỉ cần như thế cũng đủ vui rồi", anh T. tủm tỉm cười, xếp gọn máy ra về lúc 1h đêm.
Tối 24/3, Công an TPHCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Công an và Viện kiểm sát khám xét 2 ngôi nhà của bà Nguyễn Phương Hằng tại 17-19 Ngô Đức Kế (quận 1) và số 6 Nguyễn Thông (quận 3).
Bà Nguyễn Phương Hằng còn được biết đến với biệt danh "Hằng Canada", tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền. Trước khi bị khởi tố, bà Phương Hằng là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam; Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam.
Bà là vợ ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn gọi là Dũng "lò vôi").
Theo GiaDinh