5 lầm tưởng về cảm cúm chị em thường mắc phải trong ngày lạnh

Để tóc ướt khi đi ra ngoài đường ngày giá rét hay ăn mặc phong phanh thường được xem là nguyên nhân gây nên cảm cúm nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy.

1. Không ăn mặc đủ ấm trong thời tiết lạnh

Trong điều kiện nhiệt độ thấp, việc bạn mặc nhiều áo hay chỉ chọn một chiếc áo khoác mỏng manh không có ý nghĩa gì nhiều – xác suất bạn bị ốm vẫn tương đương nhau. Không khí lạnh buốt không tác động đến việc bạn bị nhiễm cúm hay bất cứ virus nào khác.

Nguy cơ này chỉ tăng cao khi bạn trò chuyện với ai đó và một cơn ho hay hắt hơi của họ cũng đủ để bạn mắc bệnh, dù bạn có chồng chồng chất chất áo ấm trên người.

2. Để tóc ướt đi ra ngoài đường

Việc này chỉ có thể khiến bạn lạnh run chứ không phải là “thủ phạm” khiến bạn dễ mắc cảm cúm. Nguyên do cảm là virus gây nên. Vì thế, tóc ướt không có ảnh hưởng gì dến nguy cơ bạn tiếp xúc với người đang bị cúm.

Virus cúm lây lan qua những “sản phẩm” của đường hô hấp như một cơn ho hay hắt xì. Nếu bạn không “đụng độ” những nguồn gây cúm này, tóc ướt cũng không làm bạn bị ốm. Ngược lại, khi tiếp xúc với người bị cúm, bạn vẫn dễ dàng nhiễm bệnh dù tóc khô.

3. Tiêm vắc-xin cúm

Virus cúm là virus sống, ngược lại vắc xin được làm từ virus chết. Do đó, việc “tiếp nhận” virus sống từ virus chết là điều không thể. Những triệu chứng sau khi tiêm vắc xin cúm mà bạn thường gặp như sưng phồng chỗ tiêm, đau cơ, đau đầu, sốt nhẹ không phải dấu hiệu của cúm mà là biểu hiện thông thường của hệ miễn dịch.

Thông thường, vắc xin cúm mất 2 tuần để có tác dụng. Nhưng nếu bạn bị ốm trong khoảng 2 tuần này, nguyên do thực sự là bạn đã không bảo vệ mình đủ tốt chứ không phải do tiêm vắc xin mà nhiễm cúm.

4. Không hấp thụ đủ vitamin C

Vào mùa lạnh, nhiều người có thói quen bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng, chống chọi với virus cảm cúm. Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học về tác dụng thực sự của biện pháp này vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng, thậm chí còn nhiều mâu thuẫn.

Trong năm 2013, các nghiên cứu về vitamin C và bệnh cảm nói chung cho thấy, lượng lớn vitamin C hấp thụ vào cơ thể người không giúp làm giảm nguy cơ cảm cúm nhưng có thể giảm thời gian nhiễm bệnh.

Có rất nhiều cách phòng bệnh tự nhiên – như vitamin C chẳng hạn – có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống chọi tốt hơn với các bệnh truyền nhiễm. Nhưng bản thân những thực phẩm bổ sung này không giúp phòng hay chữa trị bệnh.

5. Ở bên cạnh người bị ốm

Chắc chắn rằng việc tránh xa người đang bị cảm cúm là một cách để tránh bị lây bệnh nhưng đó không hoàn toàn là biện pháp an toàn tuyệt đối. Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, người ta có thể lây truyền bệnh cúm ngay trước cả khi họ biết mình bị ốm, bắt đầu từ 1 ngày trước khi các triệu chứng phát tác và lên tới 5-7 ngày sau khi nhiễm cúm.

Hơn nữa, virus có thể lây truyền từ các tiếp xúc tay với tay hoặc các bề mặt, vật dụng nhiễm khuẩn. Vì vậy, gnay cả khi bạn không ở gần một người bị cảm cúm, bạn vẫn có thể nhiễm cúm do đã chạm vào thứ gì đó có virus và sau đó bạn lại đưa tay lên lau mặt.

Theo Hải Linh (Krissy Brady/PNN)