Cho con tập mắt có bỏ được kính cận?

Không ít cha mẹ mang con đến khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương sau một thời gian cho trẻ đi tập mắt ở ngoài. Tốn khá nhiều tiền, công sức, song thị lực của trẻ cũng chẳng cải thiện là bao!

Cho con tập mắt có bỏ được kính cận?

BS Thu Hiền đang khám mắt cho một nữ học sinh. Ảnh: T.Nguyên

“Mất tiền mua khó cho con!”

Từ năm 7 tuổi, bé Đỗ Thanh H (ở Hà Đông, Hà Nội) đã phải đeo kính. Đến năm 10 tuổi, nghe lời “mách nhỏ” của các đồng nghiệp trong cơ quan, chị Huyền, mẹ bé đã cho con đi đến trung tâm tập mắt với hi vọng sẽ từ bỏ được đôi kính. Ở trung tâm này, bé H được yêu cầu dừng đeo kính và hướng dẫn luyện tập trong 3 tháng. Sau đó, cháu về nhà tiếp tục tự tập.

Thời gian gần đây, khi thấy con kêu mắt mờ quá, không nhìn nổi chữ cô giáo viết trên bảng, chị Huyền mới tá hỏa cho con đi khám ở một phòng khám mắt tư nhân. Kết quả, bé H được cấp một đơn kính cận, loạn rất cao. Thấy con đi tập mắt tốn nhiều tiền, kết quả lại phải dùng đơn kính như vậy, chị Huyền thấy “không chấp nhận được”, nên đã đưa con đến Khoa Khúc xạ (Bệnh viện Mắt Trung ương) khám. Ở đây, các bác sĩ cho biết, quả thật, số kính của cháu độ cận và độ loạn đều rất cao. “Dù số kính đeo cao vậy nhưng thị lực cháu lại rất tồi tệ, bệnh nhi này đã bị nhược thị do ko đeo kính trong thời gian kéo dài, hai mắt bị lác ngoài. Ở tuổi 11, số kính cao như vậy thì việc cải thiện thị lực giờ sẽ vô cùng khó khăn”, TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng khoa Khúc xạ cho biết.

Dạo một vòng trên internet, với từ khóa “tập mắt cho con chữa cận thị”, có thể thấy rất nhiều địa chỉ giới thiệu các phương pháp tập mắt, với những lời cam kết “Cải thiện thị lực, bỏ kính mà không cần phẫu thuật”, “Chữa các tật khúc xạ về mắt an toàn và hiệu quả chỉ bằng tập luyện”, “Thị lực của mắt hoàn toàn có thể cải thiện bằng phương pháp tập tự nhiên, không dùng kính”…

Chị Nguyễn Hoài Nam (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, con gái chị cận từ 7 tuổi, đeo kính tầm 2 đi-ốp. Vì không muốn mắt con “bé tí” dần đi vì cận, chị hi vọng khi con lớn tuổi sẽ cho con đi phẫu thuật. Nhưng hè vừa rồi, chị đọc được có quảng cáo chữa cận thị mà không cần phẫu thuật, chị đã quyết định thuê giúp việc theo giờ trông cậu con 3 tuổi vào mỗi chiều, để tự mình đưa con gái năm nay 9 tuổi theo một khóa học với giá gần 4 triệu đồng, trong 18 ngày. Tại đây, con gái chị được tập nhìn, day huyệt, thi thoảng là các bài thiền và đảm bảo mắt được nghỉ ngơi. Bé cũng “bị cấm” không xem ti vi, điện thoại, Ipad.

Thị lực của bé đã cải thiện kha khá. Đi khám thì độ cận thị của cháu giảm xuống 1,5 đi-ốp. Chị mừng ra mặt và bàn với chồng cho con tập mắt khóa nữa trước khi bước vào năm học mới. Tuy nhiên, chưa kịp học tiếp khóa nữa, con vào năm học mới cuối cấp, áp lực học tập tăng từ đầu năm, mắt cháu lại có biểu hiện nặng lên, nhìn bảng lại nhòe mờ không rõ, đôi khi còn phải liếc sang vở bạn để chép kịp lời cô trên bảng. Cho con đi khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương, chị tiếc rẻ quá chừng vì tiền đã mất, độ cận thị của con lại tăng còn hơn trước khi tập.

Theo BS Hiền, hành động này của chị Huyền (mẹ bé H), hay chị Hoài Nam không khác gì “Tự dưng mất tiền mua cái khó cho con!”.

Không thể bỏ đeo kính cận bằng biện pháp tập mắt

Cho con tập mắt có bỏ được kính cận?

Các chuyên gia chia sẻ: Tỷ lệ trẻ cận thị cũng tăng dần theo cấp học, có nơi ở thành thị, 40% trẻ bị cận. Ảnh: PV

TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, dù chưa có nghiên cứu toàn quốc nào về tỷ lệ học sinh cận thị ở Việt Nam, nhưng thống kê sơ bộ cho thấy, tỷ lệ trẻ cận thị ở khu vực có mức sống cao (thành thị, thị xã, thị trấn) cao hơn nhiều so với ở nông thôn. Tỷ lệ trẻ cận thị cũng tăng dần theo cấp học. Có nơi, ở thành thị, 40% trẻ bị cận.

Trong dịp hè, khi các con được nghỉ học chính ở trường, số trẻ đến khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương tăng vọt. Mỗi ngày, có tới hơn 2.000 lượt người tới khám, trong số đó, hơn 50% là trẻ em. Số lượng khám về tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) cũng tăng nhanh chóng. Số lượng phòng khám buổi sáng khám về tật khúc xạ mắt trẻ em tăng từ 3 phòng lên 7 phòng. Còn số liệu cập nhật số khám trong tuần đầu tháng 9, dù đã giảm tình trạng cao điểm trẻ khám về tật khúc xạ, nhưng tỷ lệ khám về tật này vẫn chiếm tới gần 30% so với tổng số khám toàn viện.

Chia sẻ về các phương pháp chữa cận thị không cần phẫu thuật như trên các trang mạng quảng cáo, TS Thu Hiền bày tỏ quan điểm phản đối bởi nó không có cơ sở khoa học và cũng chưa có nghiên cứu nào chỉ ra nó là biện pháp tối ưu.“Không có chuyện chữa khỏi cận thị mà không cần phẫu thuật hay tập mắt bỏ được đeo kính”, TS Thu Hiền nói.

Theo BS Hiền, các cháu nhỏ thay đổi số độ cận thị thường xuyên. Độ cận thị sẽ tăng dần theo tuổi, đến 18 tuổi, độ cận thường sẽ ổn định. Do đó, với trẻ dưới 18 tuổi, không có chỉ định phẫu thuật để bỏ kính. Các cháu bắt buộc phải đeo kính để điều trị cận thị. Ngoài 18 tuổi, khi độ cận thị không tăng nữa, các bác sĩ sẽ khám và cân nhắc phương pháp phẫu thuật thích hợp để cho bệnh nhân bỏ kính.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Hiền, các phương pháp như day ấn huyệt, ngồi thiền hay các bài tập mắt… thực chất chỉ giúp thư giãn các cơ ở mắt. Mắt được nghỉ có thể hạn chế tốc độ tăng số kính nhưng không thể giúp trẻ bỏ được cặp kính cận.

Về việc một số người cho rằng đã khỏi cận thị thông qua các phương pháp tập luyện mắt, theo BS Hiền, trường hợp này chỉ xảy ra đối với nhóm cận thị giả. Đó là tình trạng của những người có thời gian làm việc ở khoảng cách gần ( như làm việc bằng máy tính) với cường độ thường xuyên, liên tục, kéo dài nên dễ gây ra rối loạn đáp ứng điều tiết, khiến mắt nhìn xa mờ và khi đeo thử kính cận thì thấy mắt nhìn rõ lên khiến họ nghĩ mình bị cận thị. Ngay cả khi đi khám tại các cơ sở y tế thiếu chuyên khoa về tật khúc xạ cũng dễ dẫn đến kết luận là cận thị.

Mắt cũng như các bộ phận cơ thể khác, cần phải khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những bất thường. Các cháu nhỏ cần được đi khám ở những cơ sở đủ chuyên môn để tránh nhầm lẫn giữa cận thị thật và cận thì giả.

Về việc luyện tập mắt, thay vì đưa trẻ đến các cơ sở, trung tâm quảng cáo tập mắt, vừa tốn tiền, vừa mệt mỏi thì phụ huynh có thể cải thiện môi trường sinh hoạt cho con, như tăng cường các hoạt động ngoài trời, giảm thời gian trong nhà, xem ti vi hay các thiết bị điện tử, tránh nhìn gần quá lâu, ngồi học, đọc đúng tư thế và ở nơi có đủ ánh sáng… Bên cạnh đó, có thể bổ sung vitamin hỗ trợ thị lực giúp tăng cường sức khỏe đôi mắt.

Theo Thu Nguyên (Giadinh)