Đi đường cao tốc đóng phí bao nhiêu?

Ngày 8-2 tới đây, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ thông xe toàn tuyến. Sự kiện này được khá nhiều người dân chờ đợi, bởi việc đi lại sẽ thuận tiện hơn, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 sắp đến, lượng xe lưu thông tăng mạnh.

trạm thu phí
Trạm thu phí Dầu Giây sẽ hoạt động ngay sau lễ thông xe.

Thông xe toàn tuyến cao tốc sẽ rút ngắn đoạn đường từ TP.Hồ Chí Minh đến Dầu Giây gần 20km so với đi theo quốc lộ1 và giảm 2/3 thời gian di chuyển so với trước.

 Phí thấp nhất là 100 ngàn đồng

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, hiện Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã xây dựng mức thu phí tạm để khi khánh thành cho xe lưu thông ngay và tiến hành thu phí tại Trạm thu phí Dầu Giây. Mức phí cụ thể đối với ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt là 60 ngàn đồng/lượt; ô tô 12-30 chỗ, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn có mức phí 90 ngàn đồng/lượt; ô tô trên 30 chỗ ngồi và xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn có mức thu 120 ngàn đồng/lượt. Xe từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe container 20 feet có mức thu là 150 ngàn đồng/lượt; xe tải có trọng tải trên 18 tấn và xe container 40 feet có mức thu cao nhất là 240 ngàn đồng/lượt.

Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được khởi công vào tháng 10-2009. Cao tốc có chiều dài gần 55km với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/giờ, tổng số vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng, dự kiến thu hồi vốn trong 32 năm.

Hơn 20km đầu tiên từ TP.Hồ Chí Minh đến Long Thành được thông xe cách đây một năm hiện được thu phí mức thấp nhất là 40 ngàn đồng/lượt đối với ô tô dưới 12 chỗ, xe tải 2 tấn và mức phí cao nhất là xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet với giá 160 ngàn đồng/lượt. Như vậy, khi lưu thông toàn tuyến, mức phí thấp nhất sẽ là 100 ngàn đồng/ lượt và cao nhất là 400 ngàn đồng/lượt.

Theo Ban Quản lý dự án, tuyến cao tốc này được thực hiện thu phí theo hệ thống thông minh (dùng thẻ từ), gói thầu này được thực hiện sau thời gian thông xe. Vì vậy, trước mắt mức phí này sẽ được áp dụng thu tạm cho đến khi đường cao tốc được xây dựng hoàn chỉnh, dự kiến đến cuối năm 2015.

 Tính toán để giảm phí

 Ông Trần Văn Trung, người chuyên cho thuê xe chạy dịch vụ ở TX.Long Khánh, cho rằng khi cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thông xe toàn tuyến, sẽ có một lượng xe lớn từ TP.Hồ Chí Minh chạy tuyến ra Bắc hoặc Đà Lạt và ngược lại, sẽ không “quá cảnh” TP.Biên Hòa nữa. Ngay cả những xe từ Long Khánh, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và Thống Nhất khi đi TP.Hồ Chí Minh cũng chọn đường cao tốc. Ông Trung phân tích: “Các xe gia đình, xe chạy hợp đồng và xe của các hãng du lịch sẽ chọn đi tuyến đường này cho nhanh. Với xe ô tô chở khách theo bến vẫn phải đi theo quốc lộ 1 vì đáp ứng nhu cầu lên xuống xe của hành khách ở các trạm dọc đường, và Bến xe Miền Đông nằm ở phía Bắc TP.Hồ Chí Minh nên đi quốc lộ 1 vẫn tiện hơn.

Anh Nguyễn Bá Nguyên, người kinh doanh vận tải ở thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, cho rằng tùy theo các hợp đồng chở hàng, chủ xe sẽ chọn đường đi. Anh Nguyên nói: “Với xe hàng 20 tấn từ TP.Hồ Chí Minh về Xuân Lộc chạy bằng đường cao tốc phải trả phí 400 ngàn đồng/ lượt là khá cao nên chắc chắn nhà xe phải tính toán, bởi mỗi chuyến hàng hiện không lãi bao nhiêu. Tôi chọn đi một nửa đường cao tốc từ TP.Hồ Chí Minh về đến quốc lộ 51 rồi theo đường 769 về Dầu Giây, như vậy giảm được tới hơn 200 ngàn đồng. Một chuyến hàng có mức phí cả đi và về hơn 300 ngàn đồng thì hợp lý, nếu lên đến 800 ngàn đồng là quá cao. Hiện nay tôi vẫn đi như vậy, chở hàng ngán nhất là bị kẹt xe, do đó chỉ cần tránh được kẹt xe và lưu thông đều là được”.

Theo Quốc Khánh (Báo Đồng Nai)