Đổi mới giáo dục: Phát huy sáng tạo hay tư duy lệch lạc?

Việc đổi mới nền giáo dục hướng tới tư duy dạy và học của các giáo viên hiện nay vô tình chung lại khiến học sinh có cái nhìn và tư duy lệch lạc trong suy nghĩ dẫn đến những bài toán "đánh đố" khiến cả học sinh và phụ huynh đều đau đầu giải đáp.

Trao đổi với Báo điện tử MTG - tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết hiện công tác giảng dạy tại Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đã có các ý kiến về những bài toán đang gây tranh cãi cũng như cách tư duy đổi mới giữa thầy và trò trong công tác giảng dạy tại trường hiện nay.

- Thời gian gần đây, trên các trang mạng đã chia sẻ rất nhiều các bài toán do các thầy cô giáo đưa ra nhằm "đánh đố" học trò vượt lên các lứa tuổi của các em. Là một nhà giáo lâu năm, cô cho biết ý kiến của cô về vấn đề này?

Cũng nên phân loại các đề bài, tránh hội chứng đám đông, xúm vào chê khen theo phong trào. Bởi không thể phủ nhận trong số các đề bài đăng trên mạng, có những đề  có tác dụng kiểm tra và nâng cao khả năng suy luận, khả năng tư duy logic của học trò. Và "tác dụng nâng cao" đương nhiên đi kèm với yêu câu cao, mức độ khó, chủ yếu dành cho những học trò khá giỏi, yêu thích khám phá, thử thách... 

Vậy đừng nên cứ thấy khó là ùa vào qui chụp tuỳ tiện cho đó là sự "đánh đố". Bởi khả năng của con người chỉ được phát hiện và tự phát hiện trước những thử thách cao hơn năng lực vốn có một bậc và nhận thức chỉ phát triển khi con người chinh phục những gì chưa biết chứ không phải nhắc lại theo lối học vẹt trong các môn khoa học xã hội, hoặc thay số vào những kiểu dạng có sẵn như khoa học tự nhiên!

Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết hiện công tác giảng dạy tại Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội

Ví dụ một đề thi tiếng Việt được cư dân mạng truyền tay nhau trong thời gian gần đây đưa ra yêu cầu học sinh lựa chọn từ viết đúng chính tả trong 3 đáp án: A. Trong xanh, B. Chong veo, C. Trong lành; hoặc một đề toán: “Con lợn nặng 45 kg, con chó nhẹ hơn bao gạo 28 kg. Hỏi con chó nặng bao nhiêu kilogam?, trong 3 đáp án: A. 17 kg, B. 7 kg, C.27 kg”. 

Yêu cầu của câu hỏi trắc nghiệm thường hướng tới lựa chọn một đáp án đúng duy nhất trong số khoảng 3 đến 4 đáp án đề đưa ra. Kiểu đề bài như thế này không những không phát huy trí tuệ cho học trò mà còn khiến các em bị lệch lạc trong tư duy, xa rời con đường tới với sự minh bạch, trong sáng của tư duy logic. 

Để phát huy vai trò sáng tạo và năng lực tư duy logic, tư duy hình tượng cho học trò, rất cần những đề bài, dù là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, không bị gò ép trong những định hướng về phương pháp giải quyết vấn đề, thậm chí mở ra nhiều đích đến với chân lí. Muốn vậy, đề toán phải có đủ các dữ kiện ở mức độ tối thiểu, đảm bảo học trò có thể tìm ra mối liên hệ giữa chúng để suy luận, kết nối và xác định phương pháp tối ưu trong rất nhiều phương pháp khả thi để thực hiện yêu cầu của đề. 

Các kiểu câu hỏi trắc nghiệm phải đảm bảo sự chính xác của đáp án duy nhất bên cạnh những đáp án không quá cách biệt! Đề Văn, dẫu văn chương tự cổ vô bằng cớ, vẫn phải dựa trên sự chính xác của vấn đề và yêu cầu giải quyết vấn đề, sao cho học trò vừa có khoảng trống cho suy tưởng cùng ý kiến, cảm nhận cá nhân, vừa không bị hoang mang trong việc xác định đề.

- Hiện nay, rất nhiều phụ huynh lo lắng cho con em mình vì suy nghĩ "lương tâm nhà giáo đã cạn đáy" - Theo cô điều này có đúng không?

Hiện nay, đạo đức, lương tâm nhà giáo đang trở thành một vấn đề khá bức bối trong xã hội. Nhận phong bì, ép học thêm, cách cư xử và tác phong thiếu văn hoá trong môi trường sư phạm, từ lời nói, hành vi cử chỉ cho đến trang phục thiếu chuẩn mực..., đó là những hiện tượng có thật ở nhiều nhà trường, nhiều cấp học. Sự xuống cấp trong đạo đức nhà giáo đang làm băng hoại dần lòng tin, niềm kính trọng của xã hội, của học sinh và phụ huynh học sinh với những những người giữ trọng trách trồng người cao quí. 

Tôi thường chứng kiến cảnh các sinh viên xếp hàng đứng chờ rải rác từ ngoài ngõ vào đến cửa nhà một giáo viên dạy Đại học, mỗi em cầm một túi quà bằng nilon trong vắt để lộ rõ chiếc phong bì trong đó. Theo lịch các em đến nhà giáo viên kia, hàng xóm có thể nắm chắc lịch thi của trường ĐH đó hàng tháng, hàng quí, hàng năm... 

Một lần khi đi ngang qua chỗ các em đứng, tôi nghe có em nói: "Nó về rồi kìa!", nhìn lại thì ra "nó" chính là vị giáo viên kia. Khi nhân cách là một trong những phương tiện giáo dục cao nhất của người thày thì những hiện tượng đáng xấu hổ trên đang trở thành một nguyên nhân đáng kể làm giảm sút chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiêu cực không thể phủ nhận trong nhân cách người thầy, vẫn không thiếu những tấm gương lặng lẽ không để soi cho ai, chỉ soi vào chính lòng mình, giữ mình cho thanh sạch, cao khiết, lặng lẽ như con tằm nhả tơ, ngày ngày, chi chút cho đời. Nhiều người dùng vấn đề thu nhập của giáo viên để lí giải sự xuống cấp cho các giá trị đạo đức. 

Tôi lại nghĩ tới thời ta vẫn gọi là "bao cấp", ngày ấy, có ai giàu, vậy mà, thày ra thày, trò ra trò, đạo thầy trò luôn được giữ gìn tôn quí, thiêng liêng. Và ngay bây giờ, những người thày được xã hội kính trọng cũng có mấy ai giàu? Vậy vấn đề có lẽ không đơn thuần nằm ở vấn đề thu nhập của giáo viên. Quan hệ cung - cầu trong nền kinh tế thị trường là sự chi phối trực tiếp và khá khắc nghiệt tới mỗi cá nhân cùng mối quan hệ giữa họ.

Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ dù ở bối cảnh xã hội nào, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức chủ quan của người thầy, và họ thường nhận được đúng những điều họ cho là quan trọng: hoặc vật chất sòng phẳng, sự sòng phẳng giết chết đạo thày trò, hoặc sự yêu quí, kính trọng mãi mãi của học trò.

Đổi mới dạy và học luôn là một vấn đề nhức nhối của nền giáo dục nước nhà

- Cũng có ý kiến cho rằng các giáo viên hiện nay vô trách nhiệm với học sinh chỉ chú tâm việc dạy thêm và vòi vĩnh. Cô đánh giá điều đó như thế nào?

Tôi đã từng trả lời vấn đề này, và bây giờ xin được nhăc lại: trước khi để mỗi giáo viên tự biết xấu hổ khi ép học sinh học thêm, vòi vĩnh sách nhiễu phụ huynh, nên có những chế tài nghiêm khắc với hiện tượng này. 

Nên lập những đường dây nóng thông tin về các lớp học thêm, những hộp thư góp ý về cách ưng xử của giáo viên vơi học trò và phụ huynh..., cần cấm tuyệt đối hiện tượng giáo viên dạy thêm cho học sinh lớp mình (dù đã nguỵ trang bằng những " đơn đề nghị" của phụ huynh!)...

Còn việc vòi vĩnh, sách nhiễu phụ huynh, tôi nhắc lại điều từng trả lời: giáo viên không có lí do gì để nhận phong bì của học trò hay phụ huynh - học trò thì chưa làm ra tiền; phụ huynh thì càng không có lí do gì để biếu tiền giáo viên, vì giáo viên cũng như họ, là những người làm công việc nhà nước, đã nhận lương, đồng lương đã có sự đóng góp của mình rồi!

- Cô cho rằng làm người thầy không nên "rắc cát vào mắt học trò" - Cô có thể giải thích rõ hơn về ý kiến này?

Đây là câu nói của một người thầy dạy tôi khi học Sư phạm. Sự uyên bác, thông tuệ, vốn tri thức của giáo viên sẽ đưa đến ánh sáng tri thức cho học trò. Nếu giáo viên kém cỏi về năng lực sư phạm cũng như vốn tri thức nghèo nàn, sự tai hại sẽ là không thể tính đếm; thay vì ánh sáng, họ đã " rắc cát" vào mắt trò, khiến các em không nhìn thấy con đường đến với chân lí; người giáo viên kém cỏi  sẽ làm hỏng rất nhiều thế hệ học sinh, và nếu trong số học sinh đó, có những em theo nghề sư phạm, sự kém cỏi về trí tuệ của các thế hệ sẽ tăng theo cấp số nhân! Cho nên, bên cạnh nhân cách thì vốn tri thức cùng năng lực sư phạm là những phương tiện giáo dục không thể thiếu của người thầy.

Cảm ơn cô về những sẻ chia!

Theo Dạ Thảo (MTG)