Giảm giá ảo khi đặt phòng khách sạn trên mạng

Du lịch đang vào mùa cao điểm, để tiết kiệm chi phí, nhiều người tìm đến những trang web trực tuyến đặt phòng khách sạn để hưởng ưu đãi giảm giá từ 10 đến 50%. Tuy nhiên, khách hàng thường nhận lại sự thất vọng sau mỗi lần đặt phòng qua mạng vì giá cả vẫn đắt mà chất lượng không như ý.

Mỗi web một giá

Chị H.Giang (Nhân viên văn phòng tại Hà Nội) có nhu cầu đặt phòng khách sạn tại Tam Đảo để nghỉ dưỡng dịp cuối tuần. Sau khi tìm hiểu giá phòng khách sạn G.L 3 sao trên các web, thấy sự chênh lệch lớn, chị gọi điện trực tiếp đến số lễ tân của khách sạn này. Nhân viên cho biết giá 1 đêm có thương lượng cho phòng Superior 1 giường là 700.000 đồng, trong khi Mytour niêm yết giá hơn 800.000 đồng, các web khác cũng dao động từ 800 đến gần 1 triệu đồng/phòng/đêm.

Đặt phòng khách sạn tại Nha Trang cho chuyến đi du lịch cuối tháng 6 tới nhưng bạn K.Dung (Cầu Giấy, Hà Nội), cảm thấy hoang mang khi phát hiện cùng một loại phòng tại khách sạn nhưng mỗi trang web lại rao một giá khác nhau.

Dung muốn đặt phòng tại khách sạn F. (Đà Nẵng), sau một ngày tìm hiểu trên các trang trực tuyến, Dung bất ngờ khi có tới năm loại giá khác nhau. Trên trang web Agoda, loại phòng Superior 2 giường, dành cho 2 người được niêm yết với mức giá gốc 2,088 triệu đồng/đêm, nhưng nếu mua qua trang này chỉ còn 1,19 triệu đồng. Trang Booking niêm yết giá phòng trên là 1,396 triệu đồng/đêm. Trong khi đó, trên trang Hotels, mức giá lên tới 3,179 triệu đồng/đêm sau khi đã giảm xuống còn 2,127 triệu đồng/đêm. 

Còn tại một trang web trong nước là Chudu, giá phòng trên chỉ có 660.000 đồng/đêm, Mytour là 963.000 đồng/đêm, Nhommua niêm yết 650.000 đồng/đêm.

Trong khi đó, giá trên trang web của khách sạn F. niêm yết là 992.360 đồng/đêm. Như vậy, giá phòng chênh lệch nhau tới hai ba lần. 


Giá phòng cùng một khách sạn nhưng lại niêm yết khác nhau trên các trang web trực tuyến

Qua tìm hiểu kỹ, K.Dung còn phát hiện ra nhiều trang web niêm yết mức giá rất thấp nhưng khi đặt lại bị đẩy lên rất cao do một số điều kiện kèm theo nếu khách không đọc kỹ, như phụ thu mùa hè, giá chưa bao gồm phí dịch vụ, VAT hay không có ăn sáng,... từ 100.000-150.000 đồng, phụ thu đối với trẻ em từ 150.000-200.000 đồng/người/đêm.

Không nên ham giảm giá

Chị Quỳnh Anh, chuyên viên cao cấp một khách sạn tại Hà Nội, cho hay, bên cạnh nhận khách đặt trực tiếp, khách sạn còn mở rộng thêm các kênh đặt phòng trên các trang web trực tuyến. Đây là công cụ vừa mở rộng kinh doanh và marketing hình ảnh cho khách sạn. 

Nhân viên khách sạn này cũng thừa nhận, các con số giảm giá trên web cũng không hề nhiều. Dù quảng cáo ưu đãi về giá nhưng khách đặt phòng qua website booking thường không được ưu ái so với khách đặt phòng trực tiếp và không được đàm phán để lấy phòng tốt.

Anh Q.Đức, nhân viên một khách sạn có tiếng tại Hà Nội chia sẻ, khách đặt phòng qua website booking thường không được ưu ái so với khách đặt phòng trực tiếp, do khách sạn phải trả gần 1/4 doanh thu cho các website trung gian này. “Không nên đặt phòng thông qua các website booking vì khách sạn phải trả 20% cho mỗi booking, 4% phí chuyển khoản qua lại giữa các khách sạn booking và ngân hàng. Khi đó khách sạn sẽ mất 24% doanh thu thì chắc chắn một điều bạn sẽ không nhận được ưu đãi vào các ngày lễ”.

Anh Đức cũng cho biết: “Thật sự những con số giảm giá khuyến mãi trên các booking chỉ là con số ảo thôi. Họ nâng giá cao lên rồi giảm cho nhiều. Bạn nào không tin thì cứ vào website của khách sạn xem giá niêm yết của người ta, rồi quay lại các trang booking xem thì sẽ rõ.

Cùng ý kiến về việc các khách sạn "làm giá" trên website, Anh T.Quang, một dân phượt chuyên nghiệp cho biết: “3 tuần trước mình book phòng ở vũng tàu resort Lan Rừng với mức giảm giá 30%: 1,6 triệu một phòng. Mình book 2 phòng. Nhưng mình đi 6 người. Thế là phụ thu thêm 500.000 đồng một người. Buồn cười là mình thêm 500.000 đồng nữa không phải là được thêm một phòng sao? Trong lúc chờ nhận phòng mình được xem bảng giá ở khách sạn. Giá niêm yết bằng với giá đã được giảm 30% trên website (chưa kèm VAT). Thấy nực cười vì trước giờ mình vẫn book thông qua website cũng cả chục lần mà giờ mới nhận ra”. 

Nick name Hoangchuongtu cũng kể về trường hợp của mình: “Khi đó tôi đặt phòng ở Phan Thiết qua Agoda. Agoda lúc nào cũng nói mình là rẻ nhất, ưu đãi này nọ nên tôi cũng đặt mà không xem kỹ điều khoản nên khi đặt xong thì thấy giá mắc hơn trên booking nhiều vì + 10% thuế nữa. Khi hủy phòng bên booking không mất tiền nhưng bên Agoda thì mất 15 USD”.

Chất lượng phòng không như mong đợi

Không ít khách du lịch còn phàn nàn trên mạng xã hội về tình trạng đặt phòng qua các trang web trực tuyến thường bị xếp các loại phòng kém chất lượng, không có cửa sổ,... chính vì thế, mức giá đặt phòng không hề rẻ chút nào. Bên cạnh đó, khách hàng còn phải thanh toán trước và sẽ bị tính phí khi hủy phòng. Các khiếu nại về giá phòng, kết thúc chuyến đi sớm hơn so với dự định cũng sẽ giải quyết rất lâu.


Nhiều hình ảnh khách sạn trên web cũng chỉ mang tính minh họa

Kinh nghiệm được anh Đức, một dân phượt chuyên nghiệp đưa ra là khi đặt phòng trực tuyến nên đặt sớm sẽ có nhiều ưu đãi. Đặt phòng sớm khoảng 30-60 ngày là lý tưởng để chọn được phòng nghỉ giá rẻ và chất lượng tốt.

Giải pháp đặt ra nếu bạn cần đặt phòng cho chuyến du lịch của mình là nên tìm khách sạn trên các website booking sau đó đặt trực tiếp qua khách sạn luôn, không qua trung gian nữa. Khi đó bạn sẽ nhận được mọi ưu đãi và bình đẳng như nhau. Bạn được quyền lựa chọn yêu cầu mà ít khi bị tính thêm phí. Và điều quan trọng là bạn có thể phản ánh trực tiếp với khách sạn để được giải đáp.

Ví dụ như bạn đặt 1 phòng 15 đêm thông qua các website booking nhưng có việc đột xuất trả phòng sớm 5 ngày. Đối với trường hợp này, các website booking giải quyết rất lâu vì bạn đã thanh toán tiền trước. Nhưng đối với khách sạn, họ giải quyết rất nhanh và luôn làm hài lòng khách hàng.

Hương Giang (NTD)