Giật mình, công nghệ biến thịt heo thành thịt đà điểu

Ngày 6/6, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM cho biết đang củng cố hồ sơ để xử lý đối với bà Lương Thị Thu Thủy - ngụ Q.Bình Thạnh, chủ cơ sở “phù phép” thịt heo thành các loại thịt “đặc sản” bị bắt quả tang ngày 2/6.

giat-minh-cong-nghe-bien-thit-heo-thanh-thit-da-dieu

Sự khác biệt về màu sắc giữa miếng thịt heo đã được tẩm ướp tiết (trái) và miếng thịt heo chưa tẩm - (Ảnh: Lộc Phú)

Như Tieudung24g đã đưa tin, ngày 2/6, Đội 3 Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP HCM đã phát hiện cơ sở chuyên sản xuất thực phẩm giả tại đường số 3, phường Hiệp Bình Chánh (Q. Thủ Đức), do bà Lương Thị Thu Thủy làm chủ.

Khi cơ quan chức năng ập vào cơ sở của bà Thủy đã phát hiện đang chế biến hơn 1 tấn thịt heo, mỡ động vật ngâm vào huyết để tạo màu đỏ tươi. Tại đây cơ quan Công an đã phát hiện và thu giữ 120kg.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu cơ sở chế biến thực phẩm của bà Thủy bị cơ quan chức năng chức năng phát hiện và xử phạt về việc biến thịt heo thành các loại thịt đặc sản.

Theo Chi cục Thú y TP.HCM, chỉ trong vòng bảy tháng (từ tháng 11/2015 đến tháng 6/2016), ông Lê Minh Tài và bà Lương Thị Thu Thủy đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang biến thịt heo thành các loại “đặc sản” đến ba lần, với quy mô sản xuất rất lớn.

Tuy nhiên, cứ sau mỗi lần bị bắt, xử phạt, hai người này lại chuyển địa điểm tiếp tục hành vi vi phạm.

Lý giải về việc này, một cán bộ điều tra nói: “Ban đầu, quan điểm của cơ quan điều tra là tập trung củng cố hồ sơ để xử lý hình sự về hành vi kinh doanh trái phép.

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức không đồng ý do tính chất nhân đạo, đồng thời Bộ luật hình sự mới bãi bỏ hành vi này nên chúng tôi mới quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với bà Thủy về hành vi kinh doanh trái phép”.

Vì sao liên tục bị bắt nhưng những đối tượng này vẫn tái phạm? Một cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM cho biết việc xử phạt hiện nay là quá nhẹ, trong khi việc kinh doanh thịt giả mang lại lợi nhuận rất cao. Do đó, khi bị bắt những người này dư sức đóng phạt, kể cả bị tiêu hủy.

giat-minh-cong-nghe-bien-thit-heo-thanh-thit-da-dieu

Thịt đà điểu giả chuẩn bị được tung ra thị trường (Ảnh: Lộc Phú)

“Thịt heo mua từ chợ Bình Điền khoảng 50.000 đồng/kg, chỉ sau vài thao tác ngâm tẩm, “phù phép” thành các loại thịt “đặc sản” họ bán ra thị trường với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/kg, tức gấp hai đến bốn lần. Một ngày tung ra thị trường hàng trăm ký thịt “đặc sản” giả như vậy nên lợi nhuận thu vào là rất khủng” - cán bộ này lý giải.

Theo cán bộ này, các cơ sở có đăng ký kinh doanh khi xử phạt còn có các chế tài như rút giấy phép kinh doanh, còn những người này làm “chui” nên họ bất chấp.

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, trung bình mỗi ngày cơ sở chế biến thực phẩm trái phép của bà Thủy cung cung cấp ra thị trường 160kg thịt "đặc sản" cho các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... 

Để qua mặt cơ quan chức năng, ông Cảnh là người làm thuê của cơ sở này được “chỉ đạo” gắn một giấy chứng nhận photo “đủ điều kiện an toàn thực phẩm” của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp cho một công ty ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) với loại hình kinh doanh thực phẩm chức năng gồm nước yến, tổ yến khô.

Ông Cảnh tiết lộ giấy chứng nhận trên chỉ là “bùa” hộ mệnh chứ không phải cấp cho cơ sở và “khả năng là hết hạn sử dụng rồi”.

Về quy trình “phù phép” thịt giả, ông Thắng cho biết: “Bắp heo mua từ chợ Bình Điền về được lóc mỡ, cắt ra từng thớ nhỏ, trộn ngâm với tiết heo rồi chuyển vào kho lạnh cấp đông, cuối cùng đóng gói dán nhãn mác đi tiêu thụ”.

Theo ông Thắng, trong các bịch thịt heo đều được xếp từ 5-10 miếng da đà điểu để “làm tin” với khách hàng. “Thực tế các mối hàng đều biết các sản phẩm này làm từ thịt heo, chỉ có người ăn không biết nên bị lừa thôi” - ông Thắng nói.

Tùng Soa (tieudung24g)