Hậu quả khôn lường từ sự chửi bới, trút giận với người lỡ trốn khai báo, cách ly

Chửi bới, trút giận với người lỡ trốn khai báo, cách ly là tâm lý dễ hiểu của nhiều người, nhưng chuyên gia cho rằng điều này dễ gây phản ứng không tốt cho công tác phòng dịch.

Chỉ còn 4 ngày để chính thức công bố hết dịch sau 22 ngày không có ca bệnh mới COVID-19. Ngày 6/3, ca nhiễm COVID-19 thứ 17 tại Hà Nội xuất hiện khiến dịch bệnh tại Việt Nam có nhiều thay đổi. Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 21 bệnh nhân, trong đó có 16 người đã khỏi bệnh và ra viện, 5 người đang điều trị, trong số này có 4 ở Hà Nội, 1 ở Ninh Bình.

Ngay thông tin công bố ca bệnh ở Hà Nội, nhiều người liên tưởng đến "siêu lây nhiễm thứ 31" ở Hàn Quốc khi sau đó lây nhiễm cho rất nhiều người. Liên tiếp những lời chỉ trích, chửi rủa, nhiếc móc bệnh nhân thứ 17 được đưa ra trên mạng xã hội.

hau-qua-khon-luong-tu-su-chui-boi-trut-gian-voi-nguoi-lo-tron-khai-bao-cach-ly

Sự chửi bới, trút giận với người lỡ trốn khai báo, cách ly cũng gây những phản ứng ngược cho công tác phòng dịch. Ảnh: TL

Về mặt tâm lý, điều đó cũng dễ hiểu bởi cô gái đó có lỗi vì ý thức kém và sự ích kỷ của mình khi không khai báo y tế. Nhưng có lẽ mọi người không lường được đến phản ứng ngược từ sự chửi bới, trút giận với người lỡ trốn khai báo, cách ly. 

Trao đổi với phóng viên Báo Gia đình và Xã hội, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), COVID-19 là bệnh mới do đó cũng dễ hiểu khi việc xuất hiện cũng như lây lan của nó khiến tâm lý người dân hoang mang, lo lắng và sợ hãi.

Với hành vi ích kỉ của bệnh nhân 17 bị lên án là điều đương nhiên, không bênh vực được nhưng cũng không nên tiếp tục đào sâu vào chửi rủa. Ngược lại, việc kì thị, chửi bới, trút giận với những người lỡ trốn khai báo, cách ly lại là nhân tố có thể góp phần làm tăng thêm các định kiến có hại. 

Ở một chứng mực nhất định nào đấy những cá thể đã bị phơi nhiễm sẽ lẩn trốn, thậm chí tìm đến giải pháp bi đát nhất, có thể họ tự sát, chui rất kĩ khiến mầm bệnh không được ngăn ngừa cẩn thận để có cơ hội bùng phát ở những chỗ khác. Nhưng dù có trốn kĩ đến bao nhiêu thì vẫn ở trong cộng đồng, xã hội này.

"Thái độ hằn học, chửi bới quá mức như vậy trên thực tế cũng gây bất lợi cho xã hội về mặt tâm thần, tư tưởng, tình cảm, thái độ cũng như một bức tranh cụ thể phòng ngừa, ngăn chặn lại dịch bệnh COVID–19. Chính điều này có thể sẽ góp phần dẫn tới những vấn đề y tế nghiêm trọng hơn, tình trạng lây nhiễm tiếp tục diễn ra và những khó khăn trong việc kiểm soát các bệnh lây nhiễm trong một dịch bệnh" – PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho hay.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã có nhấn mạnh về vấn đề này, khi hiện nay đang có những người bị gắn nhãn, định kiến, bị cô lập, xa lánh, bị kỳ thị chỉ vì việc có thể có liên quan tới căn bệnh COVID-19.

Theo WHO, sự kỳ thị có thể gây ra những hậu quả như khiến nhiều người muốn che giấu bệnh để không bị kỳ thị; ngăn cản mọi người không sớm tìm đến các cơ sở y tế chữa trị; và không khuyến khích được họ thực hiện những hành vi lành mạnh bảo vệ bản thân và người khác. Tất cả những rào cản đó có nguy cơ gây ra các vấn đề y tế nghiêm trọng hơn.

Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, hơn lúc nào hết lúc này người dân Việt Nam hãy suy nghĩ nghiêm túc về ý thức cộng đồng, tinh thần trách nhiệm thực hiện những khuyến cáo của cơ quan chức năng. Thay vì khi có chuyện lại quay ra chửi nhưng không ai thấy rằng sự lơ là của mình góp phần trong đó.

Thực tế cho thấy nhiều người dân thời gian qua đã có phần chủ quan với dịch bệnh. Trong thời gian nghỉ dịch vẫn tranh thủ mua vé máy bay đi du lịch khi hàng không giảm giá kịch sàn, thường xuyên tụ tập nơi đông người… Điều này cũng dễ dàng làm dịch bệnh lây lan.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, hãy chung tay góp phần phòng ngừa và ngăn chặn tâm lý kỳ thị nguy hại. Tất cả cần có ý thức, cân nhắc kỹ lưỡng khi trao đổi trên mạng xã hội cũng như các nền tảng liên lạc khác, thể hiện những hành xử mang tính xây dựng liên quan tới dịch COVID-19.

Theo GiaDinh