Kho báu dưới nước của Việt Nam bơi sang Trung Quốc thành đặc sản cháy hàng: xuất khẩu tăng khủng hơn 600%, Mỹ cũng nhanh tay săn lùng

Trung Quốc rất ưa chuộng mặt hàng này của Việt Nam vì chất lượng vượt trội.

kho-bau-duoi-nuoc-cua-viet-nam-boi-sang-trung-quoc-thanh-dac-san-chay-hang-xuat-khau-tang-khung-hon-600-my-cung-nhanh-tay-san-lung
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam tăng trưởng liên tục từ đầu năm 2024. Chỉ tính riêng trong tháng 6/2024, giá trị xuất khẩu đạt 28 triệu USD, tăng 27,3% so với tháng trước và tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023.
 
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam đạt 125 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu cua tăng gần gấp đôi đạt gần 93 triệu USD, xuất khẩu ghẹ tăng 33% đạt hơn 31 triệu USD. 
 
Trung Quốc và Hongkong (TQ) tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cua ghẹ và giáp xác khác của Việt Nam, chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này đang tăng phi mã ở mức 3 đến 4 con số so với cùng kỳ và duy trì tăng trưởng liên tiếp mỗi tháng.
 
Riêng trong tháng 6/2024, xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác sang thị trường này tăng tới 20 lần so với cùng kỳ, đạt gần 13 triệu USD. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 54 triệu USD, tăng 623%.
 
Theo VASEP, trong bức tranh chung xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nửa đầu năm, các mặt hàng tươi sống là điểm nhấn, góp phần tăng doanh số xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang thị trường này. 
kho-bau-duoi-nuoc-cua-viet-nam-boi-sang-trung-quoc-thanh-dac-san-chay-hang-xuat-khau-tang-khung-hon-600-my-cung-nhanh-tay-san-lung
 
Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu cua ghẹ đông lạnh, cua ghẹ chế biến như cua đồng xay, ghẹ thanh trùng đóng lon, đùi ghẹ, thịt cua tuyết, thịt chân cua tuyết... sang các thị trường điển hình như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
 
Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản lại có xu hướng sụt giảm liên tục trong 3 tháng trở lại đây. Giá trị xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác sang Nhật Bản trong tháng 6/2024 giảm 25% so với cùng kỳ, đạt 6 triệu USD. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm giảm nhẹ 0,3%, đạt 35 triệu USD.
 
Xuất khẩu sang Mỹ và Canada lại đang tăng trưởng khả quan, với mức tăng lần lượt là 30% và 44%.
 
Trái lại, xuất khẩu sang các nước EU không mấy khả quan. Giá trị xuất khẩu cua ghẹ sang EU trong nửa đầu năm giảm 46% so với cùng kỳ. Việc Ủy ban châu Âu vẫn tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với ngành khai thác thủy sản của Việt Nam đang tác động đến xuất khẩu hải sản sang thị trường này.
 
Theo VASEP, các sản phẩm về cua, ghẹ và giáp xác khác của Việt Nam hiện đã xuất được sang 22 thị trường trên thế giới. Hiện nay, do tình hình lạm phát tại các quốc gia đã được kiểm soát, nền kinh tế đang dần được phục hồi nên đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nhóm hàng này.
 
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, có hơn 100 doanh nghiệp trên cả nước tham gia xuất khẩu nhóm sản phẩm này. Trong đó, 3 công ty xuất khẩu nhiều nhất là Trung Son Long An Co., Ltd, Trung Son Hung Yen Foodstuff Corp. và Trinity Vietnam.
 
Mặt hàng thủy sản này được nhiều thị trường quan tâm do cua ghẹ Việt Nam có chất lượng vượt trội, hàng không bị nhiễm kháng sinh và vi khuẩn gây bệnh. Cuối năm ngoái, lô cua Cà Mau chế biến sẵn lần đầu được xuất chính ngạch sang Mỹ và bán trên kệ siêu thị với giá 1,3 triệu đồng/kg.
 
Cua Cà Mau đặc sản nổi tiếng rất được ưa chuộng tại thị trường trong và ngoài nước. Còn ghẹ xanh là đặc sản được khai thác từ các vùng biển của Việt Nam, đây cũng là món ăn hút khách nội địa và quốc tế.

Theo GiaDinh