Mùa Tết: Coi chừng ngộ độc thực phẩm

Trong những ngày đầu năm mới 2015, khi cái Tết Nguyên đán đang cận kề, thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm lại nóng lên. Ít nhất đã có bốn vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra với hàng trăm người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có những trường hợp rất nguy kịch. Thậm chí có 3 người tử vong vì sử dụng thực phẩm “lạ”.

Ngộ độc thực phẩm diễn ra phức tạp

Vụ ngộ độc thực phẩm mới nhất xảy ra tại Trà Vinh với hơn 100 người phải nhập viện cấp cứu. Ngày 15-1-2015, sau bữa trưa tại bếp ăn tập thể của Công ty Cy Vina, chuyên sản xuất túi xách xuất khẩu (Khu công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), 108 công nhân của công ty có biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, sốt cao và nôn ói.

Ban giám đốc công ty lập tức huy động mọi phương tiện để kịp thời đưa công nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, đã có gần 80 công nhân được xuất viện, số còn lại đang được truyền dịch và dần hồi phục. 

Theo các công nhân Công ty Cy Vina, bữa cơm trưa 15-1 do công ty hỗ trợ có các món: cá điêu hồng, thịt heo chiên, canh chua nấu với bắp cải và bạc hà. Hiện, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh đã lấy mẫu thức ăn để xét nghiệm làm rõ nguyên nhân ngộ độc thực phẩm. 

Trước đó vào ngày 8-1-2015, một vụ ngộ độc thực phẩm tương tự đã xảy ra tại Công ty Nam Sung Vina đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An). Sau khi dùng bữa cơm trưa, 206 công nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài.

Các công nhân được nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn, Bệnh viện huyện Diễn Châu. Đến sáng 9-1, sau khi điều trị sức khỏe, kiểm tra, thăm khám, các bệnh nhân bị ngộ độc đã ổn định và dần hồi phục, có 165 người được xuất viện về nhà tự theo dõi. 

Không chỉ tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể diễn ra tại các công ty, xí nghiệp do bữa ăn mất vệ sinh an toàn thực phẩm, một vụ ngộ độc cá nóc nghiêm trọng xảy ra vào ngày 10-1-2015 tại Gia Lai, khiến ba mẹ con nguy kịch.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, vụ ngộ độc cá nóc khiến 3 mẹ con chị Um (35 tuổi), dân tộc J’rai ở làng O Ngó, xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, suy tim, suy hô hấp, cháu gái lớn nhập viện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, mạch và huyết áp bằng 0. 

Sau nhiều giờ được các bác sĩ điều trị tích cực, chị Um và cháu gái nhỏ đã qua cơn nguy kịch. Cháu gái lớn mạch và huyết áp đã trở lại nhưng vẫn còn hôn mê sâu, do tim ngừng quá lâu gây tổn thương não. Nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc thực phẩm đau lòng này là do gia đình mua nửa ký cá nóc đã phơi khô giá 40.000 đồng, tại một hộ bán tạp hóa trong làng về kho ăn.

Hiện nay, cá nóc khô giá rẻ được bán tràn lan khắp các buôn làng. Nhiều bà con ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa nhận thức hết mức độ nguy hiểm bởi nhóm độc tố trong cá nóc, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ gây tử vong cao và chưa có thuốc giải đặc hiệu. 

ngộ độc thực phẩm
Sử dụng thực phẩm không rõ nguồn góc và thức ăn đường phố không hợp vệ sinh dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm

ngộ độc thực phẩm
 

Biện pháp phòng ngừa

Theo Cục An toàn thực phẩm, trong năm qua, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đã thanh tra hơn 514.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong đó có hơn 112.000 cơ sở vi phạm (tỷ lệ gần 21%) với tổng số tiền phạt hơn 17 tỷ đồng. Một số nội dung vi phạm cần chú ý như vệ sinh dụng cụ trang thiết bị phục vụ sản xuất chế biến không đạt yêu cầu, vi phạm điều kiện vệ sinh cơ sở... 

Trong năm 2014, lực lượng quản lý thị trường cũng đã kiểm tra, xử lý hơn 9.000 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hành chính trên 31 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường toàn quốc đã phát hiện hơn 21.000 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm với 661 tổ chức, 1.300 cá nhân vi phạm; xử lý hành chính 1.200 vụ, tổng số tiền phạt hơn 12 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết giao mùa là thời điểm khó bảo quản thực phẩm, dễ dẫn đến tình trạng thức ăn ôi thiu... làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó, tình trạng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc diễn ra tràn lan đã trở thành mối lo thường trực. 

Vì vậy, để công tác phòng chống đạt hiệu quả cao, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà sản xuất trong việc chế biến, kinh doanh thực phẩm theo từng công đoạn.

Đặc biệt, phải thực hiện tốt việc ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia cầm, thủy cầm; tiệt trùng kỹ dụng cụ, bát đũa trước khi ăn uống. 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tại các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành hàng này. Đặc biệt là giám sát các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn liền, đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp và bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh nước giải khát, thức ăn đường phố, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bằng những biện pháp đồng bộ, mới hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo  MINH KHÔI (CATPHCM)