Nhà báo Lê Quốc Vinh: Thận trọng khi kêu gọi tẩy chay thương hiệu

Theo Nhà báo Lê Quốc Vinh, việc kêu gọi tẩy chay một sản phẩm, hay một thương hiệu cần phải hết sức cẩn thận.

Nhà báo Lê Quốc Vinh: Thận trọng khi kêu gọi tẩy chay thương hiệu

Nhà báo Lê Quốc Vinh

Trong thời gian qua, một số thương hiệu đã bị cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay. Với tốc độ lan truyền thông tin như hiện nay, việc kêu gọi tẩy chay một thương hiệu, một doanh nghiệp có thể tạo ra những hiệu ứng không nhỏ. Đáng chú ý, một số vụ kêu gọi tẩy chay này xuất phát từ những sự việc liên quan đến một cá nhân nào đó.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Lê Group, một chuyên gia về truyền thông về vấn đề này.

* PV: Trong thời đại các mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay, ông đánh giá như thế nào về sự phản ứng của người tiêu dùng với các thương hiệu thông qua những lời kêu gọi tẩy chay thương hiệu đó?

Nhà báo Lê Quốc Vinh: Nếu một thương hiệu vi phạm đạo đức xã hội hoặc chất lượng sản phẩm ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc sản phẩm đi ngược lại với cam kết của cá nhân, tổ chức đối với cộng đồng thì sự tẩy chay là một điều hợp lý, cần thiết để cho người có lỗi nhìn nhận lại mình và sửa lỗi. Trường hợp của hãng bột ngọt xả nước thải xuống sông Thị Vải cách đây mấy năm là một ví dụ. Vì lợi nhuận mà công ty bột ngọt đó đã làm ảnh hưởng đến môi trường nên bị tẩy chay là xứng đáng.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo để xem sự vi phạm đó thực sự ảnh hưởng hay không hay xem thương hiệu đó vi phạm cam kết hay không. Ví dụ như vụ một hãng taxi vừa rồi, một tài xế bị cư dân mạng nghi ngờ là làm "chim mồi" thì người tiêu dùng cần phải xem xét kỹ càng xem sự thực là gì. Nếu thực sự là có việc tài xế dùng xe của mình làm "chim mồi" thì việc phản ứng với tài xế là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu có thật thì đó cũng chỉ là hành vi của một cá nhân chứ không phải cả hãng xe taxi. Nếu kêu gọi tẩy chay cả hãng như vậy thì sẽ không đúng.

Cách đây không lâu, cư dân mạng vì tẩy chay một cô ca sỹ mà dẫn đến lời kêu gọi tẩy chay luôn cả những sản phẩm do cô này làm đại diện hình ảnh.

Tôi nghĩ trong hai trường hợp này, các thương hiệu đã bị "oan".

* PV: Nói như ông thì một trong những các kỹ năng cần có của người tham gia mạng xã hội là một tư duy để phân tích, để phán đoán sự việc và nhận định đúng sai?

Nhà báo Lê Quốc Vinh: Đúng như vậy. Người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm đối với xã hội về phát ngôn của mình. Nếu phát ngôn mà không có suy nghĩ thì với tốc độ lan truyền thông tin như hiện nay, phát ngôn đó có thể ảnh hưởng một cách không ngờ theo chiều hướng tiêu cực đến cá nhân, tổ chức, cộng đồng người trong xã hội.

Vì thế, theo tôi, mọi người đừng cho mình là người tiêu dùng mà có quyền phát ngôn như thế nào cũng  được trước một sự việc liên quan đến một thương hiệu hay một doanh nghiệp nào đó.

Những người tham gia mạng xã hội cố gắng đừng "a dua" theo người khác mà phải dùng đầu của mình để phân tích xem có đáng tham gia những lời kêu gọi tẩy chay kia hay không.

* PV: Như ông nói, những việc làm thái quá như vậy thường dẫn đến những hậu quả nghiệm trọng. Nhưng hiện nay, dường như chúng ta đang thiếu một cơ chế quản lý nào đó từ Nhà nước để bảo vệ những trường hợp không đáng bị tẩy chay?

Nhà báo Lê Quốc Vinh: Nhà nước cũng khó mà can thiệp vào những forum hay diễn đàn cá nhân. Nếu như các cá nhân, forum hay diễn đàn mà có vi phạm nghiêm trọng và người bị hại khởi kiện thì lúc đó Nhà nước mới can thiệp được. Còn nếu bị hại mà không khởi kiện thì cũng không có cơ chế nào để Nhà nước can thiệp.

Vì thế một lần nữa, tôi xin nhắc lại là việc kêu gọi tẩy chay một sản phẩm, hay một thương hiệu nằm ở sự nhận thức của người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi người tiêu dùng phải có trình độ học vấn và ý thức. Cần thận trọng khi kêu gọi tẩy chay một thương hiệu hoặc một doanh nghiệp.

* PV: Như vậy thì phải chăng, khởi kiện là biện pháp duy nhất đối với những trường hợp kêu gọi tẩy chay thái quá này, thưa ông?

Nhà báo Lê Quốc Vinh: Nếu như cộng đồng vì sự thái quá dẫn đến sự tẩy chay mà gây ảnh hưởng đến sự tồn vong của thương hiệu thì bản thân thương hiệu đó hoàn toàn có quyền kiện lại người tiêu dùng. Nhưng việc này chỉ là lý thuyết vì việc kiện lại người tiêu dùng rất khó vì không biết cụ thể đó là ai. Có khi thường những người khơi mào lại là những người giấu mặt. Cho nên việc kiện cáo khá khó.

* PV: Là một chuyên gia về truyền thông, lại là người đứng đầu một tập đoàn, trong trường một doanh nghiệp bị cộng đồng kêu gọi tẩy chay một cách thái quá, ông sẽ cố vấn điều gì cho lãnh đạo của doanh nghiệp đó?

Nhà báo Lê Quốc Vinh: Trước tiên tôi sẽ phân tích xem sai lầm của doanh nghiệp nằm ở đâu. Nếu lỗi đó là lỗi có thật thì tôi sẽ khuyên vị giám đốc đó khắc phục, sửa sai với cộng đồng xã hội, xây dựng lại hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp. Còn nếu lỗi đó không phải là từ doanh nghiệp và phía người tiêu dùng đang phản ứng thái quá, thậm chí là vu khống doanh nghiệp thì tôi sẽ cố vấn cho doanh nghiệp là tìm giải pháp để bảo vệ uy tín của mình.

Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Theo Tuệ Minh (Một rhế giới)