Những bức tranh trong phố cổ Hội An

Hội An có quá nhiều câu chuyện được âm thầm kể từ mọi góc phố, trên những vuông sân giếng trời và trên bậc thang những ngôi nhà.

Những phòng tranh nơi phố cổ bên sông Hoài thực ra cũng không có gì nhiều để kể, vì hầu hết là tranh chép với những motive nhan nhản khắp nơi: cảnh phố, cảnh sông, đồng ruộng, cô gái, nón lá, áo dài…, những bức tranh hàng loạt vẽ bằng thứ sơn rẻ tiền và tất nhiên giá cũng rẻ. Vậy mà cũng hiếm khi thấy khách du lịch ghé mua hay thậm chí là xem. Bằng cách nào mà những phòng tranh này tồn tại được, đối với tôi, là một điều thật khó hiểu.

Khi tôi đã chán và định đổi hướng, một tấm bảng đỏ trong một con hẻm lọt vào tầm mắt. Như mọi con hẻm ở Hội An, hẻm này ngắn và hẹp, nhưng khác ở dàn dây leo xanh mướt phủ đầy trên tường và một giếng nước cổ nằm ngay giữa hẻm. Những cái giếng như những con mắt thần trong khu phố cổ Hội An cũng là câu chuyện khá lý thú. Ngay đối diện giếng nước, ba tấm biển bằng tiếng Anh, màu sắc rực rỡ treo trên tường hẻm và trước lối vào: Local artist, Art Gallery.

Cánh cửa sổ khép hờ, nhưng cánh cổng lại mở toang dẫn tầm mắt vào môt cái sân nhỏ treo đầy quần áo và nhiều đồ đạc để lộn xộn. Vắng lặng, không một bóng người. Khung cảnh này có cái gì đó thật giống những cái sân, những hàng hiên của vài xưởng hoạ nhỏ tôi từng thấy ở Florence (Italy) và xứ Hàn.

Những bức tranh trong phố cổ Hội An

Đắng hắng mãi mà không thấy có ai ra, tôi đánh liều đột nhập. Đằng sau dãy quần áo là cửa vào nhà và cũng là nơi làm việc của họa sĩ. Ngổn ngang, bộn bề, nhiều tranh trên tường, dưới đất. Những bức tranh sáng tác, phong cách ấn tượng và trừu tượng, màu sắc rực rỡ rất có hồn. Một bức tranh thiếu nữ khỏa thân trên tường, chiếc bàn tre nhỏ có bộ bình trà làm nơi tiếp khách, đồ đạc đơn sơ giản dị.

Bỗng nhiên tôi thấy nhớ cặp vợ chồng họa sĩ luống tuổi người vùng Lugano, Thụy sĩ; những người đã vẽ gần 10.000 bức tranh mà chưa hề bán được bức nào trong đời, dạy vẽ cho trẻ em các trường học để sinh nhai và nuôi dưỡng nghiệp vẽ. Cũng không có đủ tiền để làm một triển lãm cá nhân cả đời mơ ước, tranh của họ chất đống ở tầng hầm vốn dùng để rượu trong một căn nhà chật chội.

Người họa sĩ Hội An tôi không quen, không gặp mặt ấy liệu có bán được tranh? Cuộc sống và nghiệp vẽ vời của anh ra sao trong cái xưởng nhỏ xíu ấy? Tôi không biết. Chỉ biết rằng, những bức tranh rực rỡ vẫn đêm ngày tỏa sắc qua khung của sổ trên bờ tường hẻm rêu phong.

Trong họa thất của một họa sĩ khác phía bên kia chùa Cầu cũng cơ man tranh sáng tác và những tác phẩm điêu khắc bằng xi măng và thép. Có một vài bức thực sự thú vị. Xưởng hoạ cũng vắng chủ, căn nhà khá rộng cũng đầy tranh, đủ mọi trường phái. Có vẻ như họa sĩ cũng là người khá "thức thời". Tôi hỏi giá một bức tranh phố cổ vẽ theo trường phái trừu tượng biểu hiện, cô bán hàng phát giá 2 triệu cho khổ 80x80 cm. Im lặng. Có cái gì trong lòng thầm dâng lên: Phố ơi!

Tôi có sở thích đi tìm những gì hay bị quên lãng, những gì bé nhỏ thôi, nhưng đều có thể "kể" cho tôi nghe thật nhiều câu chuyện không có trong sách vở. Ở Hội An cũng vậy, có quá nhiều câu chuyện được âm thầm kể từ mọi góc phố, trên những vuông sân giếng trời và trên bậc thang những ngôi nhà.

Những bậc thang gỗ cũ kỹ đầy mùi thời gian đưa bạn lên dãy hành lang gỗ bao quanh, sát hoặc trên mái nhà. Ngay bên cạnh bạn là những cây cau đang trổ bông thơm ngát, tưởng như chỉ cần với tay ra là có thể chạm được vào hương hoa. Bên dưới là một thiên tỉnh với bức tranh mosaic từ mảnh sành mảnh sứ cổ xưa trên bức tường đã chuyển sang màu đen. Và trên nóc nhà, một bức tranh phố lặng lẽ nằm. Ai đó đã mang bức tranh sơn dầu từ xưởng vẽ dưới nhà đặt lên mái để phơi cho khô. Chuyện có lẽ chỉ có ở Hội An, nơi những mái ngói lô xô nằm dưới chân người. Những mái nhà đi từ đời vào tranh, và những bức tranh "đi" trên những mái nhà, vào đời.

Theo Zing News