Những cây thuốc Nam có chất độc chớ nên xem thường

Dùng các vị thuốc có nguồn gốc từ thảo dược có chất độc đã tồn tại từ rất lâu, nhưng bạn cần biết rằng một số cây thuốc Nam bình thường lại có những bộ phận có chất độc chớ nên xem thường.

Trong các loại thảo dược sử dụng làm thuốc điều trị bệnh của Đông dược có không ít các vị thuốc có thành phần từ loài cây có độc mà bạn sẽ không thể ngờ đến. Các loại thảo dược này có những bộ phận tuyệt đối không nên sử dụng vì độc tố gây chết người cực cao. Đây là những cây thuốc thường thấy đến nỗi hầu như bạn có thể nhìn thấy ít nhất một lần trong đời.

Cây cam thảo dây

Cây cam thảo dây hay cây đậu mân côi, tên khoa học là Abrus precatorius, sinh trưởng và phát triển hầu như khắp các vùng miền Việt Nam. Cây cam thảo có công dụng trong rất nhiều bài thuốc, nó thường được dùng như một vị thuốc trung hòa làm bớt vị hăng, mùi, đắng... gây khó chịu của các vị thuốc khác.

Bộ phận chứa độc của cam thảo dây là ở hạt. Hạt của loài cây này chứa một hoạt chất độc tên gọi là abrin, độc gấp 100 lần chất độc ricin trong hạt của cây thầu dầu. Chất này có thể bám vào màng tế bào khiến chúng không thể tổng hợp được protein. Trúng phải độc tố của loài cây này, nạn nhân sẽ khó thở, sốt cao, nôn mửa, tích nước trong phổi, thận, gan, lá lách dẫn đến cái chết đau đớn.

Chú ý: Tuyệt đối không được nhai hạt cây này, hãy cảnh báo mối nguy hiểm cho mọi người và trẻ em bởi vì hạt nó có màu sắc rất đẹp (từng có những đứa trẻ lượm hạt cây xỏ thành tràng hạt, vòng để đeo).

Cây phụ tử

Cây phụ tử có tên khoa học là Aconitum napellus, đây được coi là nữ hoàng độc dược trong thế giới thực vật bởi nó có hoa rất đẹp. Nếu không biết, có thể bạn sẽ trồng nó như một loại cây cảnh. Cả thân cây đều chứa nhiều chất độc, trong đó có hoạt chất độc cực mạnh tên là aconitine.

Chỉ cần vô tình nhai phải lá cây này, bạn có thể bị nóng miệng, chảy nước dãi, nôn mửa, tiêu chảy, sau đó khi độc lan ra toàn thân, nạn nhân sẽ phải trải qua cảm giác tê, ngứa ran, nhịp tim bất thường và cuối cùng là tử vong do suy hô hấp.

Bạn có thể yên tâm khi các lương y dùng vị thuốc này, bởi vị thuốc bào chế từ rể củ phụ tử đã được sơ chế để loại bỏ các chất độc. Tuy nhiên các lương y cũng rất hạn chế khi sử dụng vị thuốc này, bởi chúng chỉ được sử dụng với liều lượng rất nhỏ và phải có sự theo dõi thường xuyên của lương y, bác sĩ trong các bài thuốc cứu nghịch, hồi dương cho người bệnh nặng duy trì thêm sự sống hay những bệnh cần khai thông huyết mạch.

Cây thầu dầu

Cây thầu dầu có tên khoa học là Ricinus communis, thường được biết đến trong công nghiệp sản xuất dầu thầu dầu. Nó chứa nhiều vitamin A và D, là một trong các vị thuốc chữa trị nhuận tràng.

Thế nhưng, rất ít người biết rằng trong hạt của cây thầu dầu có chứa một trong những độc tố thực vật mạnh nhất trên Trái đất có tên là ricin. Ricin là một hoạt chất có tính độc mạnh hơn cả cyanide, strychnine hoặc nọc độc của con rắn độc nhất thế giới. Nếu trúng độc của loài cây này, bạn chắc chắn sẽ tử vong trong vòng vài phút.

Do tính chất tẩy xổ rất mạnh, nên vị thuốc bào chế từ hạt thầu dầu cũng được các lương y cẩn thận khi kê đơn thuốc.

Trong dược thư về cây thuốc của Việt Nam còn khá nhiều những cây có chứa thành phần độc tố. Nếu bạn có thể hiểu biết nhiều hơn thì rất có ích cho việc bảo vệ sức khỏe hay các cuộc phiêu lưu sinh tồn nơi hoang dã như trong các thước phim được chiếu trên kênh Discovery.

Theo Ngọc Trác ( MTG )