Những điều mà du khách nước ngoài phải cảm ơn Việt Nam

Với 6 nỗi sợ của du khách nước ngoài về du lịch Việt Nam mà phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra, tôi lại thấy đó là những điểm ấn tượng mà họ cần cảm ơn chúng ta.

Với những điểm chưa được của du lịch Việt Nam mà dư luận, báo chí đã phản ánh cùng với những ý kiến của một số người nước ngoài, tôi thấy rằng ngành du lịch nước ta, trái lại, đang quá nhiều cái “Được” là đằng khác.

Tin tức đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nạn làm giá, chặt chém diễn ra đầy đường phố các khu du lịch, như vậy là “bắt nạt” du khách.

Ồ không! Những người bán hàng rất giỏi trong khoản lôi kéo mời chào khách đấy chứ? Việc làm giá cũng rất linh hoạt và có đầu óc. Từ một sản phẩm nhỏ với mức giá thấp, có thể đội vống lên thành mức giá cao ngất ngưởng, mà lại tùy vào thái độ và đặc điểm mà họ phán đoán về người khách đang tiếp xúc để đưa ra một mức giá phù hợp, vậy là quá giỏi! Bởi người dân mình bản tính thật thà mà.

Không những thế, địa bàn hoạt động còn được phân chia rõ ràng ranh giới cũng là cách thể hiện sự chuyên nghiệp trong làm ăn. “Nước sông không phạm nước giếng” là tuyên ngôn trong nghề của những thương nhân tự do ấy.

Giao thông nước ta cũng là nỗi sợ của khách nước ngoài khi đến đây.

Tôi nghĩ thực ra phải nói là nỗi khiếp sợ kinh hoàng của du khách mới đúng. Nhưng từ đây lại có nhiều điều hay ho và thú vị.

Gạt tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông sang một bên (vì người nước ngoài chắc họ chả quan tâm những con số thống kê đó đâu), tự mình trải nghiệm là thực tế nhất. Và khi mà họ đã “trải nghiệm thực tế” rồi thì ôi thôi… ai cũng biết kết quả. Chỉ biết bày tỏ sự thương cảm với họ bởi chính người Việt mình còn hãi cơ mà.

Nhưng như thế lại rất tốt. Giao thông nước ta đã rèn luyện cho họ cách ứng xử tình huống nhanh nhạy (khi đang đi bộ gặp một xe khác lao đến bất ngờ), khả năng quan sát tuyệt vời (khi qua đường), lòng dũng cảm (đôi khi phải liều) và một điều hết sức quan trọng nữa đó là: sự may mắn (đôi khi con người ta hơn nhau ở cái may mắn này thôi). Đó là những điều mà ở nước họ (hoặc các nước phát triển) không hề có. Những bài học này làm cho họ trở nên tự tin hơn, và khi đã tham gia giao thông tại Việt Nam thì đi bất cứ nước nào trên thế giới cũng sẽ hoàn toàn an tâm vào khả năng ứng phó của mình.

Du lịch Việt Nam đã thực sự gây ấn tượng với du khách bởi những điều "không thể nào quên" . Ảnh minh họa: Ngọc Diệp

Nạn ăn xin, ăn cắp vặt còn nhiều, và là nỗi ám ảnh với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.

Ăn xin, ăn cắp và thậm chí cả ăn cướp là điều diễn ra ở khắp nơi trên khắp thế giới, không ngoại trừ Việt Nam. Chỉ có điều ở nước ta, tình trạng này xảy ra nhiều và ngang nhiên hơn, đối tượng nhắm đến không chỉ là người dân trong nước mà đặc biệt làm “phiền nhiễu” người nước ngoài, vậy nên họ rất sợ khi cứ bị bám theo xin tiền hoặc bị mất đồ, bị giật đồ đã trở nên không hiếm. Thật không tự hào gì khi kể những điều này nhưng đó là thực tế vẫn đang diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên qua đây, họ cũng nhận được một bài học là ý thức tự bảo quản đồ đạc của mình khi đi du lịch, không được sơ ý, lơ là, cần có thái độ cảnh giác ở mọi nơi. Mặc dù đi du lịch là để thoái mái, vui vẻ nhưng cũng cần phải đề phòng (nghe có vẻ đáng thương). Với nạn ăn cắp vặt và ăn cướp, họ cần biết võ, hoặc biết chạy (đuổi theo tên cướp). Đó cũng là một cách rèn luyện sức khỏe.

Vệ sinh an toàn thực phẩm của nước ta cần phải cải thiện.

Nhưng mà Việt Nam nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú đậm đà bản sắc dân tộc, không phải vào những nhà hàng sang trọng (như ở các nước phát triển khác), mà ẩm thực đường phố mới là một nét lạ và hấp dẫn du khách nước ngoài. Họ thích cảm giác được lê la quán xá, ngồi vỉa hè, ăn những món vặt ngon, rẻ và lạ. Mà đã không câu nệ như thế thì chuyện vệ sinh ăn uống cũng … không cần câu nệ. Nếu du khách “tốt bụng” ( tức là ăn thoải mái đồ ăn Việt Nam mà bụng dạ vẫn ổn) thì cũng là một lợi thế, vì đi đâu ăn gì cũng sẽ không sao cả. Sự thử thách độ “tốt bụng” của các du khách như ở Việt Nam thì chắc phải đạt chuẩn của chuẩn (tương tự như giao thông).

Nhiều chuyên gia du lịch nhắn nhủ, thái độ của người bán hàng với khách du lịch nên ân cần, nhiệt tình và thân thiện hơn.

Điều này thực ra đến người dân Việt Nam khi đi mua hàng cũng “sợ” chứ đừng nói đến du khách nước ngoài. Những quán “mì chửi”, “bún mắng”,… đã trở nên thương hiệu của nhiều cửa hàng. Đi đến đâu trên thế giới du khách cũng được đối đãi niềm nở, vậy thì đến Việt Nam, họ bị đối xử khác, cũng là một điều đặc biệt ấn tượng mà chắc chắn họ sẽ không bao giờ (dám) quên. Nó “rèn” cho du khách cách để biết điều và nghe lời hơn khi chọn đến địa điểm đó với phương châm “Chủ cửa hàng là thượng đế”

Ngoài ra, một du khách khi đến Việt Nam đã phải thốt lên những từ như “lừa đảo”, “gian dối”, nhưng thực ra đó chỉ là cách chúng tôi kiểm tra xem các bạn có tỉnh táo và có khả năng phán đoán, phát hiện sự thật khi đối mặt với những thử thách của cuộc sống và cám dỗ cuộc đời không thôi. Về điều này, nếu ở Việt Nam lâu, các bạn sẽ dần đúc kết được nhiều kinh nghiệm “xương máu”.

Kể như vậy, chưa thể liệt kê hết những ưu điểm khi du khách trải nghiệm du lịch tại Việt Nam, nhưng cũng đủ cho thấy nếu đến đất nước xinh đẹp này, các bạn sẽ được “rèn luyện” rất nhiều điều, gồm cả thể lực và trí lực – điều mà không phải ở nước nào bạn cũng được trải nghiệm. Vậy thì đừng băn khoăn hay do dự gì nữa, hãy chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng của bạn nhé!

Theo LINH ĐAN (NĐT)