Rau ngót "tắm" thuốc trừ sâu: Làm sao để không chọn phải?

Để rau ngót sinh trưởng tốt, đồng thời rút ngắn thời gian thu hoạch, nhiều người trồng đã phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích cho rau. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải biết cách nhận biết và lựa chọn rau ngót sạch, đảm bảo an toàn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

Rau ngót là xoăn là...rau sạch?

Rau ngót, khổ qua gần như là loại rau xanh, thực phẩm trồng và sử dụng quanh năm. Trước đây, chỉ có các loại rau muống, giá đỗ, rau bí, cải, xà lách...mới nằm trong danh mục lo ngại của người dân thì nay ngay cả rau ngót cũng “dính” thuốc bảo vệ thực vật.

Thực tế, rau ngót là thực vật rất dễ trồng nhưng trong quá trình phát triển dễ bị một số bệnh tấn công gây rệp trắng, khô vằn. Chính vì vậy, để rau ngót sinh trưởng tốt, đồng thời làm ngắn thời gian thu hoạch, người trồng không ngần ngại 'tắm' thuốc trừ sâu, thuốc kích thích cho rau ngót. Đấy là chưa kể, nhiều nguồn đất trồng, nước tưới rau ngót bị ô nhiễm nặng.

Việc sử dụng thường xuyên các loại rau quả có chứa dư lượng thuốc trừ sâu, hóa học tiêu biểu như rau ngót, theo các chuyên gia có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng như: Ngộ độc mãn tính, tác động đến hệ thần kinh…

Vì lo sợ rau ngót phun nhiều thuốc trừ sâu, thuốc "kích phọt" nên nhiều bà nội trợ rỉ tai nhau "đi chợ, cứ rau ngót lá xoăn thì chọn". Nhưng thực tế, không phải ra ngot bị xoăn lá là "rau sạch"...

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Trưởng Bộ môn Nông hóa Thổ nhưỡng, trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho rằng, đừng tưởng rau ngót lá xoăn là không bị phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Rau ngót là loại thực vật dễ trồng, kháng bệnh tốt. Tuy nhiên, trong quá trình chăm bón một số bệnh tấn công gây khô vằn, rệp trắng. Nếu áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc theo hướng sinh học bền vững, không quá lạm dụng thuốc hóa học thì rau ngót là cây mang lại giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao. Khi lá rau đã xoăn do virus dù có phun thuốc diệt sạch rầy lá vẫn xoăn.

Mặt khác, việc phun thuốc BVTV phòng bệnh quá liều cũng gây xoăn lá. Nước canh rau ngót màu đen có thể rau còn tồn dư thuốc BVTV, bón phân hóa học quá nhiều, nguồn đất trồng, nước tưới rau không đảm bảo vệ sinh, nước kênh mương bị ô nhiễm kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen, mangan... đều có thể nhiễm vào lá.

Cũng theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, các tiêu chí xác định rau an toàn là không nhiễm dư lượng thuốc BVTV, nitrat (do bón nhiều lân đạm), kim loại nặng (do nguồn tưới, đất trồng) và không có dư lượng vi sinh bám trên rau. Tuy nhiên, rau chứa kim loại nặng, dư lượng thuốc BVTV bằng mắt thường không thể phát hiện. Dư lượng nitrat có thể nhận biết như lá rau dày, xanh đậm hơn bình thường. Loại rau này rất mẫn cảm với thuốc diệt cỏ, ở nồng độ cao cũng làm cho lá xoăn lại.

Bà Nguyễn Thị Hòa, phụ trách Trạm Dịch vụ bảo vệ thực vật quận Bình Thạnh cũng cho rằng, có những loại thuốc BVTV nồng độ mạnh dạng nhũ dầu, khi phun quá liều cũng khiến lá rau cứng và xoăn lại, nhìn như rau già, đánh lừa người dùng. Ngoài ra, cây rau thiếu một vi lượng nào đó cũng làm cho lá xoăn, nhưng là xoăn nhẹ hơn do bị bệnh.

Rau ngót

Để rau ngót sinh trưởng tốt, đồng thời rút ngắn thời gian thu hoạch, nhiều người trồng đã phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích cho rau. (Ảnh minh họa).

Cách chọn rau ngót sạch, an toàn

Người tiêu dùng cần phải biết cách nhận biết và lựa chọn rau ngót sạch, đảm bảo an toàn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

Lá rau ngót: Nên chọn rau ngót có lá mỏng nhưng cứng. Tuyệt đối không nên mua lá rau ngót dày mềm, hoặc lá xoăn lại, bất thường.

Màu sắc: Tránh mua rau có màu xanh sẫm, lá quá non, không có lá nào bị sâu đục lá.

Màu nước rau ngót: Với rau ngót tươi ngon, khi nấu canh, màu nước xanh nhạt và trong, không có màu sắc bất thường. Nếu nước canh rau ngót trở thành màu đen hoặc bị vẩn đục, có nhiều nhớt, nổi váng xung quanh thành nồi thì tuyệt đối không nên ăn vì đó là rau ngót dư thuốc trừ sâu.

Mùi vị: Khi chế biến, nếu có vị ngai ngái, quá nồng xen lẫn mùi hắc thì đấy là rau ngót đã bị nhiễm chất độc hại, tuyệt đối không được sử dụng.

Mùa rau ngót thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 3 của năm sau. Để mua được rau ngót an toàn, nên mua rau đúng mùa, tránh mua trái vụ. Rau ngót cần rửa sạch nhiều lần nước, ngâm nước muối khoảng 15 - 20 phút để hạn chế chất độc hại rồi mới chế biến như bình thường. Nên đun nấu kỹ để hạn chế những tác động của lá rau ngót có chứa chất độc hại.

Theo AN NHIÊN (DSPL)