Thị trường hàng tiêu dùng Tết “vào mùa” chậm

Mùa mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết cổ truyền đã đến, thế nhưng, thị trường mua sắm năm nay dường như khá “im tiếng” dù chỉ còn vài tuần nữa là Tết Nguyên đán

Hệ thống các siêu thị có kế hoạch phục vụ Tết cụ thể

"Vắng bóng khách”, tiểu thương lo lắng

Khác với cảnh nhộn nhịp mua bán trong những ngày cận Tết của các năm trước, tình trạng “thưa thớt” khách mua trong mùa mua sắm Tết năm nay khiến nhiều tiểu thương lo lắng, đặc biệt là những tiểu thương kinh doanh hàng tiêu dùng.

Dạo một vòng quanh các khu chợ lớn ở TP.HCM như chợ Thái Bình, chợ Bà Chiểu, chợ An Đông, lượng khách hàng đổ về mua sắm dường như giảm đi nhiều so với mùa mua sắm Tết năm ngoái.

Cảnh buôn bán “đìu hiu” tại chợ Thái Bình trong những ngày gần đây khiến tiểu thương bồn chồn không yên, chị Nguyễn Thị Nhi, tiểu thương chuyên bán quần áo trẻ em tại chợ Thái Bình than thở: “Hàng hóa được nhập về từ trước mùa Noel, cung ứng cho thị trường giáp Tết. Tuy nhiên, đầu tháng trở lại đây, người mua hàng thưa dần mặc dù giá các sản phẩm quần áo trẻ em điều chỉnh tăng không nhiều. Mọi năm, tình hình buôn bán cũng khá, vào thời điểm này, tôi bán đắt hàng lắm, có hôm không có thời gian rảnh để ăn cơm. Không hiểu năm nay sao mua bán “bèo nhèo” quá, cũng lo lắm”.

Cảnh mua bán đìu hiu tại chợ An Đông

Cùng hoàn cảnh với tiểu thương Nhi, chị Anh - chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Cống Quỳnh (Q.1) cho biết: “Năm nay, tình hình mua bán mặt hàng quà tặng gói sẵn tại cửa hàng im ắng quá. Những năm trước, các cơ quan xí nghiệp đến cửa hàng tôi đặt hàng nhiều còn nay vẫn chưa thấy ai ghé. Tôi có hỏi mấy khách hàng quen xem họ có nhu cầu mua hàng không thì đa phần đều trả lời rằng vẫn chưa có kế hoạch gì dù ngày Tết cũng đã cận kề. Hiện một ngày, tôi bán chỉ được 1 - 2 giỏ quà tặng. Giá cả hàng hóa tăng không nhiều, chỉ một số ít mặt hàng nhích giá thêm theo thị trường. Chưa đầy 3 tuần nữa đến Tết, cũng hy vọng lượng cầu tăng, biết đâu năm nay người dân mình mua sắm trễ không chừng”.

Chủ gian hàng mứt Phụng Thành tại chợ An Đông chia sẻ: “Bánh mứt được bày bán tại gian hàng của tôi chủ yếu được sản xuất trong nước, riêng có một số loại được nhập từ Thái Lan, Indonesia. Mấy ngày nay, chưa thấy khách hàng ghé mua nhưng cũng không lo lắm vì bánh kẹo, mứt Tết thường được khách hàng mua ở những ngày cận Tết. Mong là mấy ngày tới, khách ghé mua hàng đông hơn”.

Tuy chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng việc buôn bán của nhiều tiểu thương vẫn không có nhiều thay đổi so với ngày thường. Khi được hỏi về tình hình buôn bán, nhiều tiểu thương tại chợ An Đông cho biết, có thể lượng khách hàng sẽ tăng đột biến như mọi năm nhưng có lẽ năm nay họ mua sắm trễ và họ hy vọng vài ngày nữa sẽ khả quan hơn.

Hệ thống siêu thị vào mùa, hàng Việt lên ngôi

Khác với việc cung ứng hàng hóa theo một loại sản phẩm riêng của các tiểu thương, các hệ thống siêu thị cũng có kế hoạch và chương trình bán hàng vào dịp cuối năm. Theo thông tin từ một số hệ thống siêu thị tại TP.HCM, các mặt hàng tiêu dùng chủ lực được phân phối tại siêu thị có đến 80 - 90% là hàng Việt Nam, nhằm thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo thông tin từ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), hiện hệ thống siêu thị Co.opMart đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 2 - 3 lần so với tháng kinh doanh bình thường, đồng thời tăng cường hệ thống phân phối rộng khắp. Ngoài ra, Co.opMart cũng triển khai kế hoạch chủ động nguồn cung từ rất sớm và tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng và đồ uống. Tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết được dự trữ dịp này là khoảng 90.000 tấn, tăng gần 15% so với Tết Giáp Ngọ 2014. Trong đó, từng nhóm hàng có độ tăng trưởng khác nhau từ 10 - 20%, dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm nước ngọt, bia, trái cây. Về giá cả, đại diện Saigon Co.op cho biết, dự kiến trong những ngày cận Tết, công ty này sẽ chủ động tham gia giữ giá tốt hơn so với thị trường tối thiểu 5 - 10% với các mặt hàng cùng loại.

Tương tự, tại hệ thống siêu thị Lotte Mart, nhà bán lẻ này cũng có kế hoạch riêng cho việc cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng. Theo thông tin từ Lotte Mart, trong kế hoạch bán hàng Tết Ất Mùi, siêu thị sẽ triển khai thêm nhiều sản phẩm bánh kẹo, mứt các loại: ổi sấy dẻo, mít sấy dẻo, thơm sấy dẻo, cóc sấy dẻo có mức giá cao hơn các sản phẩm mứt thông dụng từ 500 đồng đến vài ngàn đồng. Với hơn 35 loại mứt Tết và trên 70 sản phẩm bánh kẹo, hạt các loại phục vụ Tết, Lotte Mart phân phối trực tiếp các giỏ quà Tết giảm 10 - 15% so với các sản phẩm bán lẻ cùng loại. Về giá cả các mặt hàng tại siêu thị, nhìn chung không có biến động so với Tết 2014.

Hệ thống siêu thị Big C cũng đưa ra chương trình cam kết giá các sản phẩm tiêu dùng nhanh, có giá tốt nhất trên thị trường, đồng thời cam kết giữ giá không đổi và nhiều chương trình khuyến mãi khác trong dịp Tết Ất Mùi. Bên cạnh đó, Big C còn triển khai thêm các chương trình khuyến mãi với hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt và mua sắm thực phẩm Tết cho các gia đình.

Mùa mua sắm Tết Nguyên đán đã khởi động, hàng hóa được sản xuất và phân phối trên thị trường theo đó cũng tăng nhanh, đặc biệt trong thời gian cận Tết. Tình hình mua sắm Tết năm nay có vẻ vẫn khá “nguội” nhưng đó cũng có thể là dự báo cho một mùa mua sắm náo nhiệt trong vài ngày tới!

Theo Xuân Thi (Đời sống & Tiêu dùng)