Thịt lợn không đảm bảo an toàn vẫn 'lén lút' tuồn ra thị trường

Thịt lợn là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên hiện nay tình trạng vận chuyển, giết mổ thịt lợn không đảm bảo an toàn ngày càng gia tăng gây mất an toàn thực phẩm cho người sử dụng.

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam sẽ đứng thứ 2 Châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt lợn, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030.

Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solution cũng dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2026 sẽ tăng lên 25%, cho đến năm 2026, tiêu thụ thịt lợn bình quân ở Việt Nam là 31kg/ người. 

Mặc dù lượng tiêu thụ thịt lợn cao nhưng hiện nay tình trạng giết mổ, vận chuyển thịt lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn tiếp diễn và không ngừng gia tăng gây tác hại không nhỏ cho nền kinh tế cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Tổng cục QLTT, thời gian gần đây đã không ít vụ việc kinh doanh, buôn bán, giết mổ lợn không đảm bảo an toàn đã bị cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ.

Liên tiếp phát hiện thịt lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm

Vào rạng sáng ngày 27/5, tại khu vực đường 1A, KP.11, P.An Bình, tổ công tác Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện tài xế Mạc Đình Mạnh (37 tuổi, ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đang điều khiển ô tô tải biển số 57L-1219 đấu nối với xe tải 60C-470.65 do Trần Huy Đức (27 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) điều khiển để chuyển giao thịt lợn.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện trên xe tải đang lưu trữ 180kg thịt lợn đã có dấu hiệu biến đổi màu và bốc mùi hôi thối. Làm việc với công an, tài xế Mạc Đình Mạnh không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc số thịt lợn này.

Tiếp đến trong 4 ngày từ ngày 27 đến 30/5, Đoàn kiểm tra liên ngành xã Bình Minh (H.Trảng Bom, Đồng Nai) đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt 3 hộ giết mổ lợn trái phép tại ấp Tân Bình, xã Bình Minh với số lượng hơn 700kg thịt  lợn..

thit-lon-khong-dam-bao-an-toan-van-len-lut-tuon-ra-thi-truong

Thịt lợn không đảm bảo an toàn vẫn tuồn ra ngoài thị trường. Ảnh: Cục QLTT Hưng Yên

Ngày 16/8, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tiếp tục phối hợp với Công an phường Long Bình, Trạm Thú y thành phố Biên Hòa tiến hành kiểm tra cơ sở giết mổ, sơ chế thịt lợn tại địa chỉ khu phố 5, phường Long Bình do bà D.T.K (46 tuổi) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang sơ chế khoảng 1,2 tấn thịt heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã tím tái, bốc mùi hôi thối, không có tem dấu và bao bì kiểm tra thú y, không đảm bảo vệ sinh thú y.

Tại Tỉnh Thái Nguyên, ngày 23/9/2023 lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời gần 3 tấn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn đông lạnh không đảm bảo an toàn thực phẩm khi đang tích trữ tại kho hàng ở chợ Đồng Quang, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên.

Mới đây nhất, vào ngày 3/10/2023, Đội QLTT số 5 phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên, cùng sự chứng kiến của đại diện Công an xã Cẩm Xá, thị xã Mỹ Hào và cán bộ kiểm dịch động vật, Chi Cục thú y tỉnh Hưng Yên tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô tải BKS 89C - 249.65. Kết quả, tại thời điểm khám trên thùng xe chở 1350 Kg thịt lợn đã biến đổi màu sắc, bốc mùi ôi thiu không đảm bảo vệ sinh thú y. Hàng không đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm, đề nghị tiêu hủy.

Nguy hại từ thịt lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt lợn là thực phẩm ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam trong số các loại sản phẩm thịt. Thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn là nguồn cung cấp protein trong khầu phần bữa ăn hàng ngày. Do đó để cung cấp thực phẩm ra thị trường, thịt và các sản phẩm từ thịt phải đáp ứng yêu cầu theo các quy định về chăn nuôi an toàn và đảm bảo sản xuất heo thịt xuất chuồng đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, không tồn dư hóa chất độc hại và vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, truy xuất được nguồn gốc.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng chăn nuôi còn nhỏ lẻ, việc kiểm soát nguồn gốc thịt lơn của cơ quan quản lý gặp khó khăn; một số người dân, cơ sở vẫn giết mổ lợn chết đem tiêu thụ với giá rẻ được các nhà sản xuất, kinh doanh mua vì lợi nhuận cao; thịt còn bày bán tràn lan trên thị trường đã làm cho việc truy xuất nguồn gốc lợn tiến tới sử dụng thịt sạch chưa hiệu quả và triệt để. 

Theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn buộc tiêu hủy ngay lợn chết do bệnh như bệnh tai xanh, bệnh lỡ mồm long móng, bệnh nhiệt thán, bệnh dịch tả, bệnh xoắn khuẩn, bệnh liên cầu khuẩn lợn tuýp 2, bệnh giun xoắn, bệnh sảy thai truyền nhiễm.

Trường hợp lợn chết không phải vì bệnh mà do nhiều nguyên nhân khác như sốc nhiệt, vận chuyển với mật độ dày dẫn đến lợn chèn ép lên nhau… người tiêu dùng cũng không nên sử dụng bởi vì chất lượng thịt bị biến đổi có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo các chuyên gia y tế, khi lợn mắc bệnh, không đảm bảo an toàn thực phẩm các vi trùng nguy hiểm như liên cầu lợn phát triển mạnh, có nhiều độc tố và nguy cơ lây lan rất cao. Khi người tiếp xúc hoặc ăn phải heo bệnh, bị lây nhiễm sẽ dẫn đến suy giảm miễn dịch, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng huyết… ảnh hưởng đến gan, thận và đáng sợ nhất là nguy cơ về giống nòi. Nếu mua phải thịt lợn kém chất lượng, dù có nấu chín thì mối nguy hại với sức khỏe con người vẫn còn đó.

Các tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm phổ biến hiện nay

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, người tiêu dùng không chỉ còn quan tâm đến vị ngon thực phẩm mà còn quan tâm đến thực phẩm họ đang dùng có an toàn cho sức khỏe của họ không? có chứa những chất ảnh hưởng đến sức khỏe của họ không? có hợp vệ sinh không?...Để đáp ứng những nhu cầu này ngày càng có nhiều những tiêu chuẩn quy định về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có thể kể đến các tiêu chuẩn như là GMP, HACCP, BRC và ISO 22000...

Tiêu chuẩn GMP, HACCP, BRC, IFS và ISO 22000 là các tiêu chuẩn dựa trên những nguyên tắc cơ bản về kiểm soát sản xuất liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Các tiêu chuẩn này cũng đưa ra những quy định cho những hoạt động khác như kiểm soát lưu trữ, vận chuyển, kiểm tra và phương pháp bán lẻ sản phẩm hiệu quả.

Tiêu chuẩn GMP là tiêu chuẩn quy định về nguyên tắc thực hành sản xuất tốt. Thực hành sản xuất tốt (GMP) là các thực hành bắt buộc để tuân theo các hướng dẫn được khuyến nghị bởi các cơ quan kiểm soát việc cấp phép và cấp phép sản xuất và kinh doanh thực phẩm & đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, và thiết bị y tế.

Tiêu chuẩn HACCP quy định về phân tích rủi ro và các điểm kiểm soát tới hạn. Đây là một cách tiếp cận phòng ngừa có hệ thống đối với an toàn thực phẩm khỏi các mối nguy sinh học, hóa học, vật lý và gần đây là các mối nguy phóng xạ trong quá trình sản xuất có thể gây ra thành phẩm không an toàn và thiết kế các biện pháp để giảm thiểu những nguy cơ này rủi ro đến mức an toàn

Tiêu chuẩn ISO 22000 quy định về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Đây là tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên thực hiện hệ thống quản lý an toàn thực phẩm được chứng nhận. Nó bao gồm giao tiếp tương tác, quản lý hệ thống và kiểm soát mối nguy. Nó có thể được sử dụng bởi bất kỳ tổ chức nào bất kể quy mô hoặc vị trí của nó trong chuỗi thực phẩm.

Tiêu chuẩn BRCGS là tiêu chuẩn thực phẩm toàn cầu của Hiệp hội bán lẻ Anh cho ngành sản xuất, chế biến và đóng gói thành phần thực phẩm và thực phẩm. Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế IFS Food

Lợi ích chủ yếu của các tiêu chuẩn GMP, HACCP, BRC, ISO 22000 là nâng cao niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm của doanh nghiệp Các quy trình an toàn thực phẩm được triển khai sẽ giúp tìm ra những vấn đề tiềm ẩn một cách hiệu quả.

Việc theo dõi thường xuyên và nghiên cứu cập nhật sẽ giúp cải tiến liên tục độ an toàn của sản phẩm. Giảm bớt tần suất kiểm định khắt khe từ khách hàng hay tổ chức khác. Giảm thiểu những rào cản thương mại và giúp mở rộng khả năng thâm nhập vào những thị trường khác. Cải tiến những tiêu chuẩn về sản xuất và vấn đề kiểm soát của tổ chức. Xây dựng lực lượng lao động chủ lực có được nhận thức mới về an toàn thực phẩm. Hướng dẫn cho tổ chức theo sát những luật lệ đúng về vệ sinh, sức khỏe và an toàn thực phẩm.

Trong trường hợp các sản phẩm vướng vào những vấn đề về an toàn thực phẩm các tiêu chuẩn này sẽ giúp tổ chức có thể xử lý vấn đề theo cách hiệu quả nhất.

Theo VietQ