Tiên dược 'cải lão hoàn đồng' tuồn vào nội địa bằng hợp đồng ma?

Theo tìm hiểu, điều tra của PV báo, hiện nay, đa phần các loại thực phẩm chức năng mang tên collagen (chủ yếu là dạng bột) đang được các đối tượng làm giả nhiều nhất.

Collagen đang trở thành “cơn sốt” của không chỉ phái đẹp, mà cả với người trung niên, người cao tuổi. Nó được thổi phồng là có chức năng “cải lão hoàn đồng”, đặc biệt giúp cho chị em giữ được tuổi thanh xuân... Trên thị trường hiện bát nháo các loại thực phẩm chức năng mang tên collagen. Sau những ngày thâm nhập thực tế, PV báo có được những “bí kíp” của dân trong nghề buôn bán, kinh doanh loại sản phẩm đặc biệt này...

Theo đó, các loại bột đựng trong bọc, trong hộp thiếc... đều được làm giả một cách tinh vi. Trong đó, khâu khó nhất là nguyên liệu đầu vào lại có thể tìm mua hết sức dễ dàng, thậm chí là với giá cực bèo.

Cần bao nhiêu cũng có?

Một doanh nhân đang phân phối thực phẩm chức năng tại TP.HCM tiết lộ, nếu cần hàng collagen dạng bột của Trung Quốc bao nhiêu cũng có. Theo đầu mối thông tin này, PV trong vai một doanh nghiệp liên hệ với một người tên T. có số điện thoại 0968485xxx, đang làm việc cho một công ty chuyên vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam.

   Tiên dược 'cải lão hoàn đồng' tuồn vào nội địa bằng hợp đồng ma?

Collagen dạng bột không rõ nguồn gốc, xuất xứ được rao bán tràn lan.

Lúc đầu, khi PV đề cập đến chuyện mua hàng thì người này cho hay, họ chỉ nhận vận chuyển giúp khách. Khi chúng tôi đề cập cần mua collagen dạng bột, thì người đầu dây xưng tên T. bắt lời luôn và hỏi lại chúng tôi cần bao nhiêu tấn. PV đề nghị khoảng 5 tấn, T. cho biết, “nếu anh mua số lượng nhiều thì rẻ hơn, ít nhất là 10 tấn”. Theo người này, mua 3 hay 5 tấn cũng phải mất một công (con- tainer) rồi, nếu mua 10 tấn thì vừa một công. Khi đó, giá mua bên Trung Quốc và giá vận chuyển về Việt Nam cũng rẻ hơn. T. phân tích. Sau khi PV đồng ý với mức là 10 tấn, đồng thời yêu cầu cho xem biểu giá hàng, ngay lập tức T. gửi cho một trang web chuyên bán collagen dạng bột tại Trung Quốc.

Vào trang này, PV thấy có nhiều sản phẩm với mức giá khác nhau. Sau khi tham khảo giá xong, PV nói giá này vẫn còn đắt so với hàng ở Việt Nam. T. cho biết, “đây là hàng nhập khẩu từ Pháp về Trung Quốc, sau đó mình nhập về Việt Nam”.

Về sản phẩm này, trên trang web mà T. giới thiệu, PV cũng thấy nó được “quảng cáo” là có nguồn gốc từ Pháp. “Sản phẩm nhập khẩu từ Pháp, có hàm lượng protein 97,37%. Nó không có mùi bất thường, mà chỉ có mùi collagen đặc trưng”.

Tuy nhiên khi bị PV chê đắt, ngay lập tức, T. nói sẽ tìm được các loại hàng giá thấp hơn và báo lại cho PV biết. Theo đó,

T. cho biết, loại cao cấp có giá 300 tệ/kg, loại bình thường thì có 200 tệ/kg. Loại 300 tệ là hàng nhập từ Pháp về Trung Quốc. Còn hàng 200 tệ là do Trung Quốc sản xuất. PV vẫn tiếp tục chê đắt, người này lại báo xuống còn 160 tệ/kg (tương đương hơn 500 ngàn đồng/kg).

PV hỏi, “muốn loại dưới 100 tệ có không?” T. tiếp tục báo lại “loại rẻ nhất ở Trung Quốc chỉ với 95 tệ/kg”. Sản phẩm này được quảng cáo là “Fish collagen đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Nó có các thành phần chất lượng cao. Nguyên liệu là vảy cá tươi không gây ô nhiễm. 100% collagen cá tinh khiết, không lẫn động vật có vú, có thể gây ra dịch (như bệnh bò điên, bệnh lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm...)?!

Đường đi công khai, hay bí mật?

Sau khi tìm hiểu kỹ sản phẩm, PV hỏi mức giá vận chuyển về Việt Nam. T. cho biết, “nếu anh lấy 3 tấn thì giá là 20 ngàn đồng/kg. Còn vận chuyển 10 tấn, tương đương một công 20 feet (hơn 3,5 tỉ đồng) thì giá là 60 triệu đồng, vì hàng của anh ở tận Bắc Kinh lận”. “Nếu mua 15 tấn thì giá vận chuyển vẫn là 60 triệu đồng”, T. nói thêm.

Sau khi thống nhất mức giá vận chuyển, PV hỏi việc mua bán, vận chuyển này là không có giấy tờ đúng không. T. cho biết, “nếu hàng có giấy tờ thì anh phải chịu phụ thu 10% VAT. Bên em vận chuyển cả đường chính ngạch và tiểu ngạch anh ạ. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà bên em làm việc”. T. còn “quảng cáo” thêm: “Bên em chỉ mua hàng giúp cho khách, sau đó vận chuyển về Việt Nam thôi”.

“Nếu vận chuyển thì đưa về cụ thể là ở đâu của Việt Nam?”, PV hỏi. T. trả lời: “Do hàng không có giấy tờ, nên bọn em chỉ đưa về đến Hà Nội, còn lại thì bên anh tự lo”. PV nói, “về Hà Nội thì để đâu?”.

T. cho biết, “về đến Hà Nội, bên em sẽ thông báo hoặc tùy theo yêu cầu của khách. Nếu anh muốn đưa vào trong Sài Gòn cũng được nhưng phải chịu thêm phí đó”.

Chủ một doanh nghiệp cho biết, khi hàng collagen bột lấy từ Trung Quốc về, có nhiều cách để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Các cơ sở sản xuất có thể chế biến thành dạng viên uống (kết hợp với nhiều phụ gia khác), sau đó đóng hộp dán nhãn là của nước này nước kia, nhất là những thương hiệu có uy tín, sau đó tung ra thị trường bán kiếm lời. Hoặc cách phổ biến hơn và dễ thực hiện hơn đó chính là pha với các loại bột khác, đóng gói với các loại bao bì in sẵn rồi bán ra thị trường. Theo tính toán của PV, giá trung bình trên thị trường hiện nay, một túi bột collagen được quảng cáo là hàng Nhật (xách tay) mà một người tên K. bán ở Q.11, TP.HCM có giá 500 ngàn đồng/túi loại 200gr được cho là loại rẻ nhất.

Giá loại này cũng tương đương khoảng 2,5 triệu đồng/kg. Như vậy, chỉ cần đóng gói hàng của Trung Quốc nhập về nói trên, chưa cần pha chế cũng đã là siêu lợi nhuận. Bởi tính cả công vận chuyển thì vẫn chưa đầy 400 ngàn đồng/kg bột nhập lậu từ Trung Quốc. Trong khi đó, cộng thêm bao bì, nhân công, máy móc và các loại khấu hao khác có thể khiến sản phẩm lên tới 500 ngàn đồng/kg thì các đối tượng nhập lậu collagen bột từ Trung Quốc về đóng gói bán ra thị trường vẫn đút túi 2 triệu đồng/kg.

Đó là chưa kể các sản phẩm dạng bột có giá cao khác, điển hình như K. đã đề cập ở trên có sản phẩm bán lên với giá gần 1 triệu đồng/hộp/200gr. Cũng theo chủ doanh nghiệp nói trên, dạng bột rất dễ sản xuất ra các loại mặt hàng khác. Ví như đóng gói thành các túi nhỏ (giống như túi trà) hoặc đóng thành hộp (như hộp sữa bột) hoặc để dạng lỏng hoặc chế biến thành các sản phẩm đắp da mặt... Thế nên, nhiều người đang tìm cách nhập hàng bột về chế biến ra thành các sản phẩm khác kiếm lời.

Ma trận collagen

Theo tìm hiểu, ghi nhận của PV, hiện nay, trên thị trường có hàng trăm sản phẩm được gắn mác collagen. Tất cả đều được quảng cáo với những lời có cánh: “Có chức năng làm đẹp, mạnh xương cốt, giảm mỡ bụng...”. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, người tiêu dùng hãy hết sức cẩn trọng, nếu không sẽ rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Theo Chí Thanh – Hoàng Minh (NĐT)