Tin sáng 3/10: Thông tin mới nhất về đợt không khí lạnh đầu tiên sắp tràn xuống miền Bắc; công an Hà Nội nói gì về vụ cô gái 23 tuổi mất tích bí ẩn hơn 1 năm?

Miền Bắc có thể đón đợt không khí lạnh đầu tiên của mùa đông năm nay, tuy nhiên nền nhiệt chỉ giảm nhẹ, trời se lạnh về đêm, mưa to xuất hiện cục bộ trong thời gian ngắn; Suốt hơn 1 năm qua, vụ mất tích bí ẩn của cô gái trẻ Lương Hải Như (23 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn đặt ra nhiều câu hỏi lớn chưa có lời đáp.

Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên

tin-sang-310-thong-tin-moi-nhat-ve-dot-khong-khi-lanh-dau-tien-sap-tran-xuong-mien-bac-cong-an-ha-noi-noi-gi-ve-vu-co-gai-23-tuoi-mat-tich-bi-an-hon-1-nam

Không khí lạnh đến muộn. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, khoảng ngày 7-8/10, miền Bắc có thể đón đợt không khí lạnh đầu tiên của mùa đông năm nay.

 

Tuy nhiên, nhiều khả năng đây là đợt không khí lạnh yếu và khô nên nền nhiệt ở miền Bắc chỉ giảm nhẹ khoảng 2-3 độ, trời se lạnh về đêm, ban ngày hửng nắng, nhiệt độ cao nhất khu vực đồng bằng từ 30-32 độ, vùng núi dưới 30 độ.

 

 

 

Thủ đô Hà Nội ngày 7/10 có mưa rào và dông rải rác, nhiệt độ giảm nhẹ so với những ngày trước, dao động trong ngày từ 25-30 độ.

 

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khoảng chiều tối và đêm 6/10, miền Bắc có thể đón mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

 

Cơ quan khí tượng lưu ý, thời điểm giao mùa, mưa dông thường kèm theo nguy cơ lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc.

 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 10, không khí lạnh bắt đầu có xu hướng hoạt động gia tăng dần về tần suất và cường độ.

 

Tuy nhiên, so với trung bình nhiều năm, thời kỳ đầu mùa Đông năm 2023-2024, không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu, rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn hơn, số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng ít hơn.

 

Nhiệt độ trung bình trong tháng 10/2023 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1 độ so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 11-12/2023, phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ.

 

Công an Hà Nội thông tin vụ cô gái 23 tuổi mất tích bí ẩn hơn 1 năm qua

 

Chiều 2/10, bên lề cuộc họp báo thông tin tình hình, kết quả công tác quý III năm 2023 của Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh vụ việc trên.

 

Theo ông Tùng, ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Công an TP Hà Nội đã phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cũng như công an các tỉnh thành áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ.

 

Quá trình xác minh, điều tra, công an xác định, tối 14/7/2022, Lương Hải Như hẹn gặp Tống Nguyên Tiến (27 tuổi, bạn trai Như) để giải quyết việc nợ nần. Kể từ thời điểm đó, người thân mất liên lạc với Như.

 

Đối với Tiến, lực lượng chức năng làm rõ, khoảng 19h ngày 14/7/2022, Tiến về quê. 4h sáng hôm sau, Tiến quay lại phòng trọ và rời đi ngay sau đó với biểu hiện bất thường về tâm lý. Điều đáng nói, Tiến sau đó được mọi người tìm kiếm và phát hiện đã tử vong.

 

Về quá trình tìm kiếm tung tích Lương Hải Như, lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp. Phạm vi tìm kiếm liên tục được mở rộng. Đến nay, cơ quan công an thu giữ nhiều tài sản của Hải Như. Tuy vậy, công an chưa phát hiện thêm thông tin gì có giá trị trực tiếp liên quan đến tung tích của Hải Như.

 

Vì vậy, Công an TP Hà Nội chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự theo quy định pháp luật. Ngày 21/11/2022, do hết thời hạn xác minh theo quy định, Công an TP Hà Nội ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với đơn của bố Hải Như. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm kiếm tung tích cô gái 23 tuổi. Khi có căn cứ sẽ phục hồi giải quyết nguồn tin.

 

Trước đó, ngày 27/7/2022, Công an TP Hà Nội quyết định truy tìm người mất tích có dấu hiệu liên quan đến tội phạm. Theo gia đình, Lương Hải Như rời khỏi nhà trọ ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa lúc 20h ngày 14/7.

 

Đến khoảng 21h cùng ngày, gia đình không liên lạc được với Hải Như. Lần theo định vị, gia đình phát hiện điểm bất thường khi thấy vị trí của Hải Như thay đổi từ xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, sang cầu Cù Sơn, huyện Hoài Đức.

 

Chị gái nạn nhân tiết lộ Hải Như và người yêu cũ là Tống Nguyên Tiến từng có mâu thuẫn về tiền bạc và tình cảm.

 

Bố của nữ sinh quỳ "xin cô tha cho em": "Tôi làm bố mà trái tim thắt lại"

 

tin-sang-310-thong-tin-moi-nhat-ve-dot-khong-khi-lanh-dau-tien-sap-tran-xuong-mien-bac-cong-an-ha-noi-noi-gi-ve-vu-co-gai-23-tuoi-mat-tich-bi-an-hon-1-nam

Hình ảnh nữ giáo viên lôi, kéo nữ sinh đang quỳ trước cửa lớp. Ảnh cắt từ clip

 

Liên quan đến thông tin, clip nữ sinh quỳ, khóc xin cô giáo tha lỗi xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn), Công an huyện Sóc Sơn đang điều tra, làm rõ.

 

Nguyên nhân vụ việc là do em N.T.K.C. (SN 2006; là bí thư chi đoàn lớp) được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật khác với thống nhất với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị P.. Sau khi giáo viên và học sinh trao đổi, cô giáo phạt học sinh ra đứng ở cửa lớp.

 

Trao đổi với báo chí, ông N.H. (bố của học sinh C.) cho biết cô giáo dùng những ngôn từ thô bạo, dùng những khung hình phạt quá nặng với em C. trong hôm đấy.

 

"Cô giáo chủ nhiệm nói sẽ hạ hạnh kiểm để con tôi không đi thi được và gọi bố mẹ lên, rồi cô giáo dọa đuổi chuyển sang lớp khác. Tôi làm bố mà trái tim thắt lại" - ông H. nói.

 

Cô giáo chủ nhiệm sau đó đã xin lỗi em C. và gia đình. Gia đình ông H. tuy đã nhận lời xin lỗi của nữ giáo viên nhưng vẫn chờ kết luận và hình thức xử lý thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng.

 

Theo báo cáo của nhà trường, ngày 29-9, em N.T.K.C. được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật khác với thống nhất với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị P.. Sau khi giáo viên và học sinh trao đổi, cô P. bảo học sinh ra đứng ở cửa lớp. Sau đó, có 2 học sinh mang bánh sinh nhật về thì cô giáo không cho vào lớp để bạn C. giải quyết chiếc bánh mình đặt.

 

Sau khi lớp kê bàn ghế và bày cỗ chuẩn bị sinh nhật tháng, giáo viên chủ nhiệm đi ra ngoài cửa thấy các học sinh khóc, học sinh C. thấy cô giáo đi ra thì quỳ ở cửa lớp. Cô P. bảo học sinh đứng lên nhưng học sinh không đứng lên. Do sức khỏe không tốt nên học sinh nằm ra cửa lớp, cô giáo có kéo áo học sinh chưa được chuẩn mực. Cô P. xác nhận xử lý nóng vội, gây hiểu lầm.

 

Giãi bày về sự việc, cô Nguyễn Thị P. cho biết "do rất nhiều lần học sinh làm không đúng với kế hoạch của lớp", nên nóng vội khi thấy em học sinh quỳ và nằm xuống đấy.

 

"Tôi sợ những hình ảnh này sẽ ảnh hưởng đến nhà trường, đến ngành. Tôi nóng vội túm vào tay em học sinh nhưng bị trượt thành cầm vào áo chứ không phải tôi túm cổ áo của học sinh để kéo học sinh đứng dậy. Mục đích của việc kéo em lên là để em đứng dậy hoặc ít nhất là ngồi lên hẳn hoi, không nằm và quỳ ở đấy thì rất phản cảm" - cô P. phân trần.

 

Nhà trường cho biết đã quyết định chuyển công tác giảng dạy môn Giáo dục công dân và chủ nhiệm lớp 12D4 của nữ giáo viên này sang giáo viên khác, đồng thời không cử cô này làm công tác tư vấn học đường.

 

UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội và huyện Sóc Sơn phải báo cáo thành phố trước ngày 3/10.

 

Hai cô giáo bị sạt lở đất vùi lấp: Lời kể người trong cuộc

 

tin-sang-310-thong-tin-moi-nhat-ve-dot-khong-khi-lanh-dau-tien-sap-tran-xuong-mien-bac-cong-an-ha-noi-noi-gi-ve-vu-co-gai-23-tuoi-mat-tich-bi-an-hon-1-nam

Hai cô giáo Lương Thị Thanh Thủy và Vọng Thị Thương kể lại giây phút bị đất sạt lở vùi lấp

 

Ngày 1/10, cô Lương Thị Thanh Thủy và cô Vọng Thị Thương (giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương, Nghệ An) vẫn đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Y tế huyện. Hai nữ giáo viên trên đường từ trường về nhà bị sạt lở đất vùi lấp vào chiều 29/9. Đã ba ngày trôi qua, các cô vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại lúc gặp nạn.

 

Có mặt tại cơ sở y tế nơi các cô điều trị, chúng tôi thấy rất đông người thân, phụ huynh đến thăm hỏi, động viên hai cô giáo. Bị gãy xương sườn số 4 bên trái, cô Thủy kìm nước mắt chịu đựng cơn đau. Cô kể: "Lúc bị đẩy ngã và cuốn đi thì cả người tôi bị ép vào tấm hộ lan đường, còn đầu xe máy đè vào ngực khiến tôi khó thở, đầu óc mơ màng, không thể định hình xung quanh. Nghe cô Thương động viên, tôi chỉ biết cố gắng không nhắm mắt, bởi nếu nhắm mắt là có thể lịm đi".

 

Nằm điều trị giường kế bên, cô Thương kể, ngày 29/9, giáo viên, học sinh trong trường dạy và học cả ngày, đến khoảng 16h40, dạy xong tiết 4 thì đồng nghiệp cùng rủ nhau về. Vì thời tiết xấu nên buổi sáng, cô Thương đi xe khách tới trường, lúc về đi nhờ xe cô Thủy. Lúc đó trời có mưa, đường trơn nên hai cô đi chậm, khi cách trường hơn 1km bất ngờ đất, bụi cây từ trên núi sạt lở xuống đẩy ngã hai người xuống đường. Hai cô tiếp tục bị cuốn đến bờ taluy âm, mắc kẹt tại tấm hộ lan đường, đất đá và bụi cây vùi lấp nửa thân người.

 

"Không thể cử động, áo mưa trùm kín người, một lúc sau, tôi bình tĩnh lại và dùng miệng xé rách áo mưa rồi kéo tay ra khỏi thân cây mét đang siết chặt. Khi tay vươn được ra ngoài, tôi cào đất, đá tìm điện thoại trong cặp để gọi cho chồng. Chồng tôi bắt máy thì tôi cũng chỉ nói được câu "chồng ơi, em bị đất vùi lấp ở Lưu Kiền rồi" thì điện thoại bị tắt.

 

Lúc này, tôi nghe tiếng kêu đau, khó thở của cô Thủy, chị ấy bị kẹt và đất vùi lấp nặng hơn. Tôi bảo: "Chị ơi, không được chết ở đây". Cùng lúc, hai đồng nghiệp đi phía sau tìm thấy chúng tôi mới hô hoán và gọi điện cho hiệu trưởng đến cứu nạn. Cũng may khi nghe tiếng kêu cứu của đồng nghiệp, có một người dân đưa dao đến chặt bụi mét, tháo áo mưa và mũ bảo hiểm, lúc đó, hai chị em mới dễ thở hơn.

 

Chúng tôi nằm dưới bùn đất và bụi cây mét khoảng 1 giờ đồng hồ, sau đó được đưa ra ngoài cấp cứu. Tôi không biết nói gì hơn, xin cảm ơn mọi người đã cứu hai chị, em", cô Thương nói.

 

Cô Thủy đã có 24 năm dạy học ở ba trường thuộc huyện biên giới Tương Dương. Cô Thủy còn là Tổng phụ trách đội của trường. Cô Thương từng dạy học tại điểm trường khó khăn nhất của xã Hữu Khuông, nơi từng được biết đến là không có đường, không có điện lưới, không có sóng điện thoại, không có chợ.

 

Nạn nhân nặng nhất vụ cháy chung cư mini tỉnh dần sau gần 3 tuần điều trị

 

Sau gần 3 tuần điều trị, thiếu tá N.V.C, nạn nhân nặng nhất vụ cháy chung cư mini Khương Hạ (Hà Nội) đã tỉnh dần, các cơn gồng cứng giảm nhiều. Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đang cai dần thở máy cho anh.

 

Trao đổi với phóng viên báo VietNamNet chiều 2/10, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết sức khỏe bệnh nhân N.V.C, nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini Khương Hạ, Hà Nội đã qua giai đoạn nguy kịch tuy nhiên "vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục theo dõi và xử trí".

 

Bệnh nhân được đưa vào viện rạng sáng 13/9. Bệnh viện tập trung mọi nguồn lực, chạy đua với thời gian để điều trị cho bệnh nhân.

 

"Bệnh nhân có tình trạng tổn thương não do ngạt khói, ngộ độc khí CO và thiếu oxy nên có những cơn gồng cứng, rối loạn ý thức cần phối hợp nhiều thuốc kiểm soát co giật, gồng cứng cơ và thuốc an thần", đại diện bệnh viện cho biết.

 

Đến chiều 2/10, bệnh nhân C. đã tỉnh dần, gọi làm theo lệnh, các cơn gồng cứng giảm nhiều. Bệnh nhân có tình trạng viêm phổi nhưng đang cải thiện và cai dần máy thở.

 

Về kế hoạch điều trị cho bệnh nhân C. trong thời gian tới, đại diện bệnh viện cho biết "sẽ cố gắng để có thể bỏ được máy thở sớm".

 

Hiện tại, bệnh viện tiếp tục các biện pháp để hồi sức về hô hấp, thần kinh, chống nhiễm khuẩn, tập phục hồi chức năng hô hấp và vận động tránh cứng khớp hay loét do tì đè; dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn hô hấp và thuốc điều trị tăng trương lực cơ. Cùng đó, biện pháp đảm bảo dinh dưỡng và chăm sóc toàn diện cũng được đặt ra.

 

"Sáng nay các chuyên gia tiếp tục hội chẩn để có phương án tối ưu nhất cho bệnh nhân", cơ sở này cho biết.

 

Thiếu tá N.V.C (37 tuổi, Lữ đoàn Thông tin 21 Bộ đội Biên phòng) là nạn nhân nặng nhất trong vụ cháy chung cư mini ngày 12/9 được đưa vào cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Anh C. được cứu hộ đưa vào Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tím tái, ngộ độc CO2 nặng, tiên lượng rất nặng, nguy kịch. Bệnh nhân đã được các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu (A9) điều trị, sau đó chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực. Trong vụ cháy, gia đình anh C. mất đi vợ và hai con gái.

 

Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ xảy ra lúc hơn 23h ngày 12/9. Chung cư này gồm 9 tầng, 1 tum, với khoảng 45 căn hộ, hơn 150 nhân khẩu. Ngôi nhà nằm trong ngõ nhỏ, sâu. Cơ quan chức năng xác định có 56 người tử vong và 37 trường hợp bị thương. Người chủ chung cư mini này đã bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng phục vụ điều tra.

 

Thầy giáo mắng chửi học sinh: Tạm dừng đứng lớp đối với giáo viên

 

Liên quan đến sự việc giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) xưng "mày – tao" mắng chửi học sinh trong lớp học, sáng nay (2/10), lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin và chỉ đạo nhà trường làm rõ sự việc.

 

"Theo báo cáo ban đầu, hiện nhà trường đã tạm dừng việc đứng lớp dạy học đối với thầy giáo có hành vi không đúng mực trong video", lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

 

Cũng trong sáng nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc, đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) và báo cáo đơn vị trước ngày 3/10.

 

"Yêu cầu nhà trường tăng cường công tác quản lý, xây dựng văn hóa học đường, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, kịp thời nắm bắt công tác tư tưởng, các hoạt động trong nhà trường, không để xảy ra các vụ việc làm ảnh hưởng tới uy tín, công tác giáo dục của trường học cũng như ngành Giáo dục và đào tạo", văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội nêu.

 

Như Tiền Phong đưa tin, trước đó, mạng xã hội mới lan truyền đoạn video được cho là quay lại trong một lớp học ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) ghi lại cảnh thầy giáo xưng "mày – tao" và mắng chửi học sinh trước sự chứng kiến của các bạn trong lớp.

 

Đoạn video chỉ dài khoảng 20 giây ghi lại cảnh thầy giáo đứng trên bục giảng có hành động dùng tay bóp cằm, chỉ vào mặt học sinh và buông những lời lẽ mắng chửi không phù hợp với môi trường sư phạm.

 

Ông Phùng Đức Ánh, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất, Hà Nội) xác nhận sự việc trên xảy ra tại nhà trường. Cụ thể là trong tiết học môn tiếng Anh của lớp 10A9 vào thứ Bảy (30/9). Hiện tại, nhà trường đang phối hợp công an xác minh, làm rõ sự việc để xử lý đúng quy định.

 

Hóc kẹo dẻo, bé trai tử vong sau 2 giờ vào viện cấp cứu

 

Sự việc xảy ra tối 25/9, bệnh nhân bị hóc kẹo dẻo là bé B.H.M, là học sinh lớp 1 ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Bé được người thân sơ cứu khoảng 15 phút rồi chuyển đến trung tâm y tế huyện, trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, mạch cảnh rời rạc. Sau đó bệnh nhân được chuyển xuống Khoa Hồi sức cấp cứu.

 

Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thị Huê, Phụ trách Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang, cho hay đơn vị huy động 10 thầy thuốc từ khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Liên chuyên khoa (Mắt - Răng hàm mặt - Tai mũi họng) và điều dưỡng chuyên khoa để cấp cứu cho bệnh nhi.

 

Sau khi xác định vị trí dị vật trong đường thở, thầy thuốc mất 2-3 phút để gắp dị vật là kẹo dẻo màu đỏ để khai thông đường thở cho bé. Cùng đó, các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim bệnh nhân được tiến hành.

 

"Khoảng 10 phút, bé có nhịp tim đập trở lại, huyết áp, mạch nhưng bệnh nhân không đáp ứng được với thuốc", bác sĩ Huê nói.

 

Ngay khi bệnh nhi có tim đập trở lại, các thầy thuốc đã giải thích cho gia đình, đồng thời liên hệ với Bệnh viện Nhi Hải Dương, sẵn sàng phương án chuyển tuyến cho bé. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân nhiều lần xuất hiện ngừng tim. Đến 22h30 cùng ngày, tức là gần 2 giờ từ khi bệnh nhi vào viện, gia đình xin đưa bé về nhà, qua đời tại nhà riêng.

 

Trẻ nhỏ với bản tính tò mò, hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng để khám phá hoặc trong quá trình ăn uống cha mẹ để con vừa ăn vừa chơi, vừa khóc vừa ăn; các bạn học sinh lớn hơn thì hiếu động, chơi nghịch nên dễ bất cẩn dẫn đến hóc dị vật.

 

Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Đăng Việt, Trưởng khoa Khám và Thăm dò hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, tư vấn khi trẻ bị hóc dị vật:

 

- Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, không khó thở: đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra.

 

- Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu: Nhanh chóng gọi cấp cứu và thực hiện các thủ thuật sơ cứu hóc dị vật sau:

 

Trẻ dưới 2 tuổi:

 

- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái.

 

- Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

 

- Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.

 

- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

 

Đối với trẻ lớn:

 

- Trẻ còn tỉnh: Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc, la được.

 

- Trẻ hôn mê: Để trẻ nằm ngửa, qùy xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ. Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

 

Tuyệt tối không cố móc lấy dị vật ra vì có nhiều khả năng dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, dẫn đến tắc đường thở, nguy cơ tử vong cao hơn.

 

 Theo GiaDinh