Vì sao Singapore trở thành điểm du lịch “phải đến”?

Một quốc gia với diện tích chỉ khoảng 700 km2 và có dân số gần 5,5 triệu người nhưng đặt mục tiêu thu hút tới 16 triệu lượt du khách trong năm 2015.

 Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra và tất nhiên cũng đã có rất nhiều câu trả lời giải thích tại sao một Singapore nhỏ bé lại hấp dẫn đến vậy. Người ta không chỉ đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc, mà nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới đang tìm cách học tập quốc đảo “Sư tử” này trong lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp không khói. 

Có thể kể ra rất nhiều yếu tố khiến Singapore trở thành một điểm du lịch “phải đến”. Đó là một đất nước thành phố sạch sẽ và an toàn vào bậc nhất thế giới. Đó là nơi có hệ thống giao thông xanh, tiện lợi và giá rẻ. Cũng có người thích tới Singapore vì có thể thỏa mãn sở thích mua sắm (giảm giá và thuận tiện), vì chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí vừa phải là có thể trải nghiệm một trung tâm giải trí hàng đầu khu vực.

Bên cạnh đó, Singapore cũng nổi tiếng với ẩm thực phong phú, từ các món hải sản cho tới các món ăn bình dân theo phong cách Trung Quốc, Ấn Độ hay Mã Lai. Tuy nhiên, có một đặc điểm mà không phải ai cũng nhận thấy ở Singapore dù đó chính là điều đã thu hút họ tới mảnh đất nhỏ bé này.

Đó chính là những danh thắng nhân tạo và tự nhiên được giữ gìn rất tốt, cùng tồn tại hài hòa với những tòa nhà chọc trời, những khu phố sầm uất và đại lộ tấp nập. Là một quốc gia non trẻ, lại có diện tích khiêm tốn, nên đã có thời kỳ Singapore từng mắc sai lầm khi thực hiện chính sách “đập cũ xây mới”.

Trong những năm đầu độc lập (giai đoạn những năm 60 và 70 của thế kỷ trước), nhiều công trình kiến trúc thời thuộc địa ở Singapore đã bị đập bỏ để dành mặt bằng cho nhu cầu phát triển nhà ở, các trung tâm công nghiệp, thương mại. Sau khi nhận ra sai lầm trong chính sách khi lượng du khách sụt giảm, Singapore đã tiến hành điều chỉnh và kết quả là sự ra đời của một cơ quan chuyên trách về công tác bảo tồn năm 1986.

Đối với Singapore, bảo tồn là một trong những nội dung chính của quy hoạch đô thị. Nhờ sự “thức tỉnh” này mà giờ đây, du khách bốn phương đến với Singapore không chỉ được ngắm nhìn những kiệt tác kiến trúc hiện đại, mà còn được chiêm ngưỡng những dấu ấn lịch sử đa dạng như khu phố Tàu, Kampong Glam với phong cách kiến trúc Mã Lai, khu Tiểu Ấn, khu Bến Cảng ở phía Nam sầm uất và nhộn nhịp.

Bên cạnh việc bảo tồn các công trình kiến trúc, Singapore cũng làm rất tốt việc bảo tồn và phát triển các khu vực xanh của đất nước. Dù không được thiên nhiên ưu đãi, dù phải nhập khẩu nước ngọt từ nước láng giềng Malaysia, song Singapore vẫn sở hữu một khu bảo tồn chim lớn nhất châu Á mang tên “Wings of Asia” trong vườn chim Jurong. Khu bảo tồn rộng chừng 2.600 m2 có hơn 500 cá thể chim, đại diện cho 135 loài có nguồn gốc từ các quốc gia châu Á. Singapore cũng có một vườn bách thảo vốn được mở cửa từ năm 1859. Trong khuôn viên của vườn bách thảo, khi bước chân vào Vườn Lan Quốc gia, du khách lại được thưởng thức vẻ đẹp của rất nhiều giống hoa lan đẹp và quý, trong đó có hoa lan Vanda Miss Joaquim là quốc hoa của Singapore.

Có thể nói, Singapore là điểm hội tụ của những nét đẹp Đông Tây. Sự phát triển của một đất nước thành phố hiện đại không làm mất đi những nét kiến trúc cổ kính, màu xanh của thiên nhiên. Người ta có rất nhiều lý do để quyết tâm phải đi du lịch Singapore, nhưng quan trọng hơn là nhiều người trong số đó mong muốn có dịp được trở lại. Người Singapore đã làm được rất nhiều điều để phát triển đất nước, trong đó có ngành du lịch, và bảo tồn chính là một trong những bí quyết thành công của quốc đảo này.

Theo baovanhoa