Xung đột vũ trang tại Ucraina làm giá cả nhiều mặt hàng biến động, Bộ Công thương yêu cầu kiểm soát khẩn

Ngày 01/3, Bộ Công Thương có Công điện số 960/CĐ-BCT gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan khẩn trương tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và xung đột vũ trang tại Ucraina.

Bộ Công thương cho biết, thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 trong nước diễn ra hết sức phức tạp cùng với tình hình quốc tế có nhiều biến động do xung đột vũ trang tại Ucraina.

Những vấn đề này đã làm giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh… cho đến những mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm hằng ngày của người dân tăng cao, ảnh hướng không nhỏ đến tình hình thị trường trong nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ.

xung-dot-vu-trang-tai-ucraina-lam-gia-ca-nhieu-mat-hang-bien-dong-bo-cong-thuong-yeu-cau-kiem-soat-khan

Xung đột vũ trang tại Ucraina làm giá cả nhiều mặt hàng biến động, Bộ Công thương yêu cầu Tổng cục QLTT và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm soát thị trường hàng hóa.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng Cục QLTT tăng cường công tác giám sát, quản lý, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

Đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh COVID-19 và xung đột vũ trang tại Ucraina.

Cục QLTT các địa phương tập trung thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với mặt hàng xăng dầu và thiết bị, vật tư y tế… đề xuất hướng xử lý đối với biến động bất thường về giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn được giao quản lý.

Phối hợp xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

Tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; không được để xảy ra tình trạng quan liêu, bao che, dung túng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tham nhũng, hối lộ trong công tác quản lý thị trường.

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ (qua Văn phòng Bộ) vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần.

Lợi dụng dịch căng thẳng, tiểu thương Hà Nội 'tranh thủ' nhập 3.000 hộp 'thuốc điều trị COVID-19' Liên Hoa Thanh Ôn trôi nổi, bán kiếm lời

Theo GiaDinh