10 trò hô biến thực phẩm thối, độc ám ảnh nhất năm 2015

Chiêu trò hô biến thực phẩm bẩn, hóa chất thành đặc sản không còn là vấn đề mới. Nhưng trong năm 2015, có nhiều vụ "tân trang" thực phẩm thối, độc khiến người tiêu dùng "nhắc là thấy ghê"...

Cho gà ăn độc chất Vàng-ô ung thư tạo màu thịt vàng đẹp

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại cuộc Họp báo thường kỳ về Kết quả công tác tháng 9 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 10 năm 2015 vào chiều ngày 6/10: Trong quá trình kiểm tra, Thanh tra bộ có phát hiện một chất cấm mới được người chăn nuôi sử dụng để tạo màu vàng cho thịt gà. Chúng tôi đã tham khảo với bên Học viện Nông nghiệp và được biết, chất này có tên gọi là chất Vàng-Ô, con người có thể bị ung thư nếu ăn các loại thịt gà có tồn dư chất này.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), Vàng-Ô là hóa chất được nhập khẩu về từ nước ngoài, có công dụng để nhuộm màu sợi vải hoặc được sử dụng làm nguyên liệu làm ve quét tường trong ngành xây dựng. Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm vì nó có hại cho sức khỏe của con người khi ăn các loại thịt có tồn dư chất này.

“Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi sử dụng chất Vàng-Ô này trộn vào thức ăn để tạo màu đẹp, đồng thời khi cho gà ăn sẽ giúp chân, da gà có màu vàng bắt mắt”, ông Dương nói.

Ông Dương cũng cho hay, tập quán tiêu dùng của người Việt chúng ta gây phiền hà, thích ăn những loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt. Chính điều đó đã một phần thúc đẩy cho người chăn nuôi sử dụng các chất cấm này để tạo màu sắc cho thịt.

Các loại thịt sử dụng chất này có màu vàng bắt mắt trên thực tế không làm tăng chất dinh dưỡng ở thịt. Minh chứng cho thấy là người châu Âu, họ ăn các loại thịt màu trắng, không vào như chúng ta mà họ vẫn cao lớn, thông minh. Trong khi đó, người Việt lại thích ăn thịt gà có da màu vàng nên người nuôi sử dụng để dễ bán.

Theo ông Dương, người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi thói quen của mình, nên là người tiêu dùng thông thái, hãy lựa chọn những gì tốt cho sức khỏe.

Ông Dương cũng tiết lộ, mới đây, Cục đã kết hợp với các nhà khoa học cho ra sản phẩm que thử chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi heo. Với que thử này, người dùng chỉ cần nhỏ nước tiểu vào que, trong vòng 5 phút, nếu vẫn giữ nguyên chữ T thì lợn đó sử dụng chất cấm, còn nếu chữ T biến mất thì lợn đó không có chất cấm.

“Đây là phương pháp mới, giúp mọi người phát hiện được việc sử dụng chất cấm ngay tại chuồng một cách nhanh gọn”, ông Dương nói.

Heo chết vào lò heo quay, nội tạng thối vào chợ

Cũng với chiêu thức sử dụng các loại hóa chất độc hại để tẩm ướp, một số cơ sở còn biến da heo, nội tạng heo chết trở nên tươi ngon, nặng ký; tuồn heo bệnh, heo chết vào các lò heo quay để biến thành thực phẩm tươi ngon rồi tuồn vào TP HCM tiêu thụ.

Hám lợi nhuận cao, nhiều người đã bất chấp sức khỏe người tiêu dùng và pháp luật kiếm tiền một cách phi pháp.

Để kiếm lời bất chính từ việc ngâm da heo vào hóa chất tẩy trắng và làm nở không nguồn gốc, không nhãn mác, Nguyễn Thị Thu Ba (43 tuổi), Nguyễn Thị Mỹ Nữ và Nguyễn Văn Chánh (45 tuổi, quê Bến Tre), thuê ba phòng trọ tại hẻm 80 đường 41, phường 16, quận 8, TP HCM, hoạt động nhiều năm nay.

Họ mua da heo không kiểm dịch, không rõ nguồn gốc về lột sạch lớp mỡ bên trong rồi luộc chín. Sau đó thả vào những xô chậu, bể đựng hóa chất pha sẵn, ngâm nhiều ngày nhằm làm trắng và cho da heo nở để tăng trọng lượng.

Sau nhiều ngày ngâm trong hóa chất, da heo có màu trắng bắt mắt, nở to như ngón tay được vớt ra rồi cắt thành sợi giao cho các quán cơm tấm, quán nhậu ven đường bán cho khách. Cơ sở của trên đã hoạt động nhiều năm. Mới đây lực lượng liên ngành TP HCM phát hiện triệt phá với hàng trăm kilôgam da heo và 4 kg hóa chất đang nằm trong 3 căn phòng trọ.

Không ngâm tẩm hóa chất nhưng những con heo bệnh chết ở khắp nơi được phù phép thành heo quay với màu sắc, hương vị không khác gì heo thịt bình thường. Đó là chiêu thức của Ninh Thị Thái, khu phố 2, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Hàng ngày, bà Thái cho người đi thu mua heo chết, heo bệnh của các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai về mổ thịt. Sau đó số heo bệnh chết này được tuồn vào các lò quay heo ở Bình Dương, TP HCM… Từ heo chết, qua tay bà Thái và cơ sở quay heo, biến thành heo quay thơm ngon, vàng rực.

Sau thời gian dài hoạt động, mới đây cơ sở của bà Thái bị lực lượng chức năng phát hiện khi đang mổ thịt một con heo nái và 7 con heo con đã chết với tổng trọng lượng 400 kg. Toàn bộ số heo và thịt thành phẩm được vứt dưới nền nhà đầy rác bao quanh. Thịt heo có dấu hiệu xuất huyết dưới da, tím tái và bốc mùi hôi.

Mới đây, đoàn liên ngành Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc tuần tra trên Quốc lộ 1A thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, kiểm tra xe ôtô chạy hướng từ Đồng Nai đi TP HCM, phát hiện lượng lớn nội tạng, phụ phẩm heo thối gồm 278 kg không giấy chứng nhận kiểm dịch, đã bốc mùi hôi thối. Tài xế Phạm Ngọc Duy Hiền (25 tuổi, quê Đồng Nai) khai đang trên đường vận chuyển số hàng trên từ Đồng Nai về chợ Phước Bình, quận 9, TP HCM, tiêu thụ.

Một cán bộ Trạm Thú y huyện Hóc Môn, TP HCM cho biết, các cơ sở giết mổ gia cầm, heo không giấy phép hoạt động khá nhiều. Để bắt quả tang cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên ngành. Trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, hoạt động giết mổ gia cầm, heo càng trở nên phức tạp, các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm soát dịp trước tết.

Bò viên, cá viên từ thịt "hết đát" và chất cấm

Báo Dân trí đưa tin, khoảng 10h ngày 14/2, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP.HCM đã phối hợp với Trạm thú y quận Tân Phú tiến hành kiểm tra Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Bình nằm trên đường Lê Sao (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú). Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, công ty này vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng các phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, có hàn the.

Đoàn kiểm tra bắt quả tang, công nhân của Công ty Hòa Bình đang tiến hành chế biến, xay thịt các loại để làm cá viên, bò viên, gà viên, tôm viên…ngay trên nền nhà dơ bẩn. Tại kho lạnh công suất 6 tấn của công ty đang chứa thịt châu Ấn Độ, cá file để chung với thành phẩm (bò viên, cá viên, tôm viên), tuy nhiên, kho chứa hàng này không đủ lạnh nên có mùi hôi thối.

Ngoài ra, Cảnh sát môi trường còn phát hiện trong kho nguyên liệu của công ty có chứa bột trắng để sản xuất bò viên, cá viên và bột ngọt có nhãn hiệu Trung Quốc không có nhãn phụ tiếng việt, hương bò không nhã mác, một bịch màu trắng (0,5 kg) sử dụng trong chế biến thực phẩm, qua kiểm tra nhanh chất hàn the cho kết quả dương tính và một số thành phẩm đã bị hư.

Nước dùng cho hoạt động chế biến thực phẩm là nước giếng khoan, nước thải phát sinh được xả thẳng ra cống chung của khu vực, không qua hệ thống xử lý nước thải; hệ thống xử lý nước thải của công ty là hầm tự hoại 3 ngăn. Tuy nhiên thời điểm khiểm tra không hoạt động, nước thải xả thẳng ra môi trường.

Đoàn kiểm tra thu giữ 2 mẫu bột trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ; 3 mẫu thành phẩm (cá viên, bò viên, gà viên), 1 mẫu nước thải tại hố ga của công ty trước khi thải ra môi trường để phân tích.

Công nghệ dùng "tinh chất" biến nước lã thành cà phê

Báo Người lao động đưa tin, những hương liệu tạo mùi giống hệt cà phê Robusta, Moka, Brazil… đang được công khai bày bán khắp nơi và trên mạng. Điều đáng nói là giá của loại cà phê sệt này rất rẻ, được người bán quảng cáo siêu lợi nhuận, một vốn đến bốn mươi lời!

Thông tin trên báo Thanh niên, thực tế, “đại dịch” cà phê từ hóa chất vẫn đang hoạt động công khai tại chợ hóa chất Kim Biên (Q.5, TP.HCM).

Trên đường Vạn Tượng, bên hông chợ Kim Biên, khi nghe khách hỏi cà phê pha sẵn, thanh niên mặc áo thun đỏ ngồi trước sạp hóa chất X nói không có pha sẵn nhưng có đủ hương liệu để tự pha. Nói đoạn, thanh niên này nhanh nhẹn ra dẫn xe và hướng dẫn khách vào hẳn bên trong sạp để chọn.

Bà Xuân chủ sạp giới thiệu loại bình nhựa 1 lít, gọi là “cà phê chấm”. Nhìn kỹ, đây là chai nước đen đậm đặc mùi cà phê, mà theo bà Xuân hướng dẫn, chỉ cần “chấm vài giọt” vào ly nước lã, đã có ngay ly cà phê không khác gì cà phê thật. Bên ngoài chai nhựa này có in nhãn “tinh chất cà phê” với đủ mùi: robusta, moka, Brazil… Bà Xuân cho biết mua nguyên lít giá 380.000 đồng, còn mua lẻ 50.000 đồng/chai 100 gr.

Bà nói: “Ở đây toàn bán loại nguyên chất, 1 lít pha được dăm chục lít cà phê nước. Em lấy nguyên lít cho lợi, bán từ đây đến Noel gì mà không hết. Người ta toàn mua chị thùng 12 lít, chứ vài lít nhằm nhò gì. Chỉ cần vài “chấm” (giọt) là có ly cà phê thơm lừng rồi. Mấy quán cà phê văn phòng toàn lấy loại này, hương cà phê "thật" mà lời nhiều”.

Thông tin trên Người lao động, theo chủ một cửa hàng trong chợ Kim Biên, mỗi ngày cửa hàng bán ra cả ngàn lít hóa chất, hương liệu, trong đó có cả sản phẩm “cà phê siêu đặc 8X” với slogan: “siêu lợi nhuận, siêu tiện lợi”. Chủ cửa hàng này luôn tận tình hướng dẫn người mua cách pha chế và cả… phương pháp kinh doanh; như bán ở các bến xe khách, căng-tin trường học, bệnh viện, lề đường, chợ đêm… “Chỉ việc cho một ít cà phê sệt vào ly rồi cho nhiều đá vào khuấy đều là được. Khách hàng có là “thánh” cũng không tài nào phân biệt thật giả!” - chủ cửa hàng bật mí.

Giá bán nguyên liệu cà phê sệt cũng rất vô chừng. Cửa hàng hóa chất Khánh trên đường Vạn Tượng (chợ Kim Biên) rao bán cà phê siêu đặc hương gì cũng có, giá từ 380.000 đồng/lít đến 1,2 triệu đồng/can. Khách hàng có nhu cầu thì mua nguyên can chứ không bán lẻ.

"Bóc mẽ" cách biến 1kg thịt gà thành... 3 kg ruốc

Ngày 17/12, Đội Quản lý thị trường số 11- Chi Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện hai chiếc xe tải mang BKS 29C-189.05 và 34C-105.82 đang sang hàng tại khu vực đường cao tốc Pháp Vân thuộc khu vực huyện Phú Xuyên. Trước những biểu hiện nghi vấn lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra phát hiện số hàng trên xe là 80 bao tải ruốc gà.

Tổ công tác yêu cầu lái xe Nguyễn Quang Điệp (SN 1982) xuất trình giấy tờ nguồn gốc hàng hóa, tuy nhiên không có. Lái xe Điệp khai nhận, lô hàng trên do Nguyễn Văn Thịnh (SN 1983), ở TP Hồ Chí Minh chuyển ra Hà Nội tiêu thụ. Để làm ra số ruốc nói trên, các đối tượng đã mua thịt gà, lợn trôi nổi trên thị trường với giá 40.000 đồng/kg sau đó mang về chế biến, lọc thịt- xương riêng rẽ.

Các đối tượng đã liên kết với một số cơ sở chế biến bột nêm, hàng phở để bán xương, da và nước luộc với giá 20.000 đồng/1 can 20 lít. Riêng phần thịt dùng để chế biến ruốc thành phẩn. Để được 1kg thịt gà thành 3 kg ruốc, các đối tượng đã dùng phụ gia tẩm trộn bột mì và để tạo thành sản phẩm ruốc, nhìn bằng mắt thường sẽ không thể phát hiện ra.

Tại trụ sở Đội QLTT số 11, đối tượng Nguyễn Văn Thịnh khai nhận mới đưa “công nghệ” này ra Hà Nội để làm ruốc, tuy nhiên chưa có nhà xưởng nên không được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động. Để tiêu thụ những sản phẩm trên các đối tượng chủ yếu thông qua giao dịch bằng điện thoại với nhà hàng, siêu thị. Giá ruốc được bán ra thị trường là 55.000 đồng/kg.

Hiện 4 tấn ruốc thành phẩm đang tạm giữu tại Đội QLTT số 11 để giám định thành phần độc hại và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sử dụng chất tạo nạc trước khi giết mổ

Đầu tháng vừa qua, lực lượng cơ quan Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện một công ty buôn bán chất cấm Salbutamol và hai cơ sở giết mổ lợn sử dụng chất cấm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tại các cơ sở bị phát hiện, hàng trăm con lợn được đưa đi giết mổ, đều sử dụng chất cấm Salbutamol. Nhiều trường hợp, vừa mới sử dụng Salbutamol vào đàn lợn, đã đưa ngay vào giết mổ, khiến tỷ lệ Salbutamol có trong sản phẩm vượt hơn 171 lần ngưỡng cho phép. Trung bình, mỗi cơ sở này, giết mổ từ 130 đến gần 400 con/ngày.

Salbutamol là một loại hóa chất được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi, vì chúng có tính năng giúp gia súc tạo nạc. Thịt gia súc sau khi giết mổ sẽ có màu tươi rất bắt mắt. Việc sử dụng thịt gia súc thường xuyên có chất Salbutamol với hàm lượng vượt mức cho phép, sẽ khiến người tiêu dùng tích tụ hóa chất Salbutamol , từ đó làm xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, đau đầu, bủn rủn chân tay, tim đập nhanh.

Vú heo thối hô biến thành nầm dê thơm ngon

Ngày 22/12, phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về mội trường (PC49) Công an TP.HCM phối hợp chi cục Thú y TP.HCM phát hiện một lượng lớn vú heo (còn gọi là nầm sữa) xuất xứ từ Trung Quốc.

Toàn bộ lô hàng đã rỉ dịch, xuất huyết và bốc mùi hôi thối được để la liệt trên sàn nhà dơ bẩn. Đặc biệt, quá trình kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện trên thùng xốp, các bịch đựng vú heo…đều được ghi bằng chữ Trung Quốc.

Làm việc với cơ quan chức năng, chủ lô hàng trên thừa nhận vú heo sau khi nhập về được phân loại rồi cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn TP.HCM chế biến thành vú dê bán cho khách hàng.

Da, nội tạng trâu bò bốc mùi biến thành đặc sản nhà hàng

Đội CSGT số 8, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội) hôm 18/12 vừa phát hiện gần một tấn nội tạng và da trâu bò đã chảy nước, bốc mùi hôi thối. Ước tính số da bò, nội tạng thối khoảng gần một tấn.

Số hàng bẩn này được tẩm ướp muối và chất bảo quản, không được che đậy...đang trên đường đi tiêu thụ cho các nhà hàng đặc sản, chợ lớn.

Bún, phở chứa huỳnh quang

Bún, phở là những món ăn dân dã thường ngày, được các gia đình ưa chuộng sử dụng. Tuy nhiên, bún, phở cũng là thực phẩm đang bị cảnh báo về tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, khi nhiễm chất huỳnh quang độc hại. Đây là chất được người sản xuất dùng để làm trắng và cải thiện độ bóng của bún, phở trông bắt mắt và hấp dẫn hơn.

Tiến sĩ Nuyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, Tinopal - huỳnh quang là chất được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy… vì có màu óng ánh, đẹp. Chất này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm.

Thịt ôi thành thịt tươi nhờ phân bón

Cách đây không lâu, một bà nội trợ có mua một miếng thịt ở chợ về để nấu, miếng thịt lúc đầu vẫn còn tươi nguyên, nhưng sau khi mang đi nấu, thịt lại tỏa ra mùi ôi và thiu rất khó chịu. Chị này lấy một miếng thịt còn dư để trong tủ lạnh bỏ ra kiểm tra, thì thấy thịt không còn dẻo như mọi khi. Sự việc diễn ra, khiến nhiều bà nội trợ rất hoang mang. Một người bán thịt ở chợ Tân Mai cho rằng, thịt lợn ôi ngâm trong nước có chút phân đạm là có thể biến đổi màu sắc, và sẽ trở nên tươi ngon.

Được biết, chỉ cần ngâm thịt vào trong nước pha KNO3, thì thịt sẽ nhanh chóng tươi ngon, hồng hào trở lại. Thành phần này có nguồn gốc từ phân dơi, phân bón. Khi thịt đã tươi hồng, việc khử mùi hôi cũng sẽ rất dễ. Chỉ cần ngâm thịt vào chất tẩy trắng Na2 SO3, thì miếng thịt sẽ hết mùi ôi, thiu và mùi NO3.

PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ thực phẩm – Đại học Bách khoa cho biết, việc người bán hàng ngâm thịt trong chất hay gọi là phân bón là có. Ông cũng khá lo lắng, vì hiện nay hóa chất này được bày bán rộng khắp thị trường, nhiều người mua về dùng vô tội vạ, coi đó là giải pháp, làm ăn không chân chính.

Theo AN NHIÊN (DSPL)