37 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, 3 người tiên lượng t.ử v.ong

Trong 37 ca nguy kịch, có 11 bệnh nhân phải chạy ECMO trong đó có chiến sĩ công an ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Thông tin về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan rất nhanh trong đợt dịch lần này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng biến thể lần đầu tìm thấy ở Ấn Độ đúng là một biến thể mới đối với Việt Nam trong đợt dịch thứ 4 này.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, biến thể lần đầu tìm thấy ở Anh có tốc độ lây nhiễm tăng hơn 1,7 lần so với chủng trước đây. Thế nhưng biến thể của Ấn Độ tăng hơn cả biến thể của Anh 1,4 lần, tức là tăng hơn 40%, điều này đã được các nhà khoa học ở Anh đưa ra. Vì vậy trong đợt dịch này, tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều so với đợt trước.

37-benh-nhan-covid-19-nguy-kich-3-nguoi-tien-luong-t-u-v-ong

Chiến sĩ công an mắc COVID-19 đã được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, phải chạy ECMO. Ảnh: BVCR

Điểm thứ 2, đợt dịch lần này về mặt lâm sàng, Bộ Y tế thấy rằng tốc độ tăng nặng của các bệnh nhân tăng hơn so với lần trước. "Đây là một trong những điều mà ngành Y tế rất quan ngại" - GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đánh giá số lượng bệnh nhân rất lớn trong đợt dịch thứ 4 này tạo ra sức ép lớn với hệ thống điều trị. Đặc biệt, chủng virus lần này phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, có diễn biến lâm sàng nhanh hơn trước. Số lượng bệnh nhân nặng cao hơn các lần trước. 

"Phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn những lần trước. Chính vì vậy, các biện pháp kỹ thuật để can thiệp cũng phải nhiều hơn. Đây là gánh nặng lớn với hệ thống hồi sức cấp cứu" - BS Cấp cho hay.

Tiểu ban Điều trị chiều 9/6 cho biết, hiện có hơn 6.000 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị ở 107 cơ sở y tế.

Trong số này, hơn 50% có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 97 ca tiên lượng nặng, 125 ca nặng phải thở oxy, 43 ca nặng phải thở máy không xâm nhập; 26 ca nguy kịch phải thở máy xâm nhập và 11 ca nguy kịch phải chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).

Trong 11 ca phải chạy ECMO, có 1 ca ở Bệnh viện Chợ Rẫy (là chiến sĩ công an được chuyển từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM sang), 3 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, 1 ca ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 2 ca ở Bệnh viện Phổi Bắc Giang, 4 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Cũng theo Tiểu ban Điều trị, trong số các bệnh nhân nặng và nguy kịch hiện nay, có 3 ca tiên lượng tử vong, trong đó có 2 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và một ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Liên quan đến việc một số quốc gia áp dụng chữa các bệnh nhân COVID-19 tại nhà, BS Cấp cho hay với những nước có lượng bệnh nhân lớn, dịch đã lưu hành rộng trong cộng đồng thì sẽ áp dụng chiến lược điều trị tại nhà, nếu nặng mới đến bệnh viện. 

Nhưng tại Việt Nam, chúng ta đang kiểm soát được dịch ngoài cộng đồng, số lượng bệnh nhân chưa vượt quá khả năng điều trị nên chúng ta ưu tiên chiến lược điều trị tất cả bệnh nhân tại bệnh viện. Với các bệnh nhân COVID-19, đa phần tuần đầu có biểu hiện nhẹ và một số có biểu hiện nặng ở tuần thứ 2.

"Nếu áp dụng giống như nước ngoài, những trường hợp nhẹ, diễn biến nhẹ điều trị ở nhà thì có thể dẫn tới nguy cơ là lây nhiễm cho những người trong gia đình" - BS Cấp cho hay. Trong khi đó, mô hình gia đình của Việt Nam phổ biến có 3 – 4 thế hệ cùng chung sống, có người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền. Vì thế, nếu điều trị bệnh nhân COVID-19 ở nhà thì rất nguy hiểm. 

"Việc điều trị tại nhà cũng khó để phát hiện sự thay đổi bệnh lý sớm, nếu để rất nặng mới vào viện thì khả năng điều trị thấp hơn" - vị chuyên gia cho hay.

Võ Thu

Theo GiaDinh

-----

Xem thêm:

Cán bộ công an lây SARS-CoV-2 cho trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường

Một cán bộ công an phường Phú Trung (quận Tân Phú, TPHCM) nghi mắc COVID-19 đã tiếp xúc với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường khiến người này dương tính với SARS-CoV-2. 

can-bo-cong-an-lay-sars-cov-2-cho-truong-ban-chi-huy-quan-su-phuong

Trưa 7/6, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, ông Phạm Minh Mẫn - Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết địa phương vừa phát hiện một trường hợp là cán bộ công an phường Phú Trung nghi mắc COVID-19.

Cán bộ này làm nhiệm vụ trực bảo vệ tại bệnh viện quận Tân Phú. Theo khai báo dịch tễ, trong 4 ngày từ 28 đến 31/5, cán bộ trên trực tại chốt khu dân cư và được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 1/6. Đến ngày 6/6, cán bộ này khám tại Bệnh viện Công an TPHCM và cho kết quả dương tính.

Theo ông Mẫn, đến sáng 7/6, có 1 trường hợp F1 của ca bệnh này cho kết quả dương tính với SARS –CoV-2. Trường hợp này là Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường. Lực lượng chức năng đã truy vết lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có liên quan với cả 2 trường hợp trên.

"Do xuất hiện 2 ca mắc mới, chính quyền địa phương tạm ngưng các hoạt động giao dịch trực tiếp và duy trì dịch vụ trực tuyến, tiếp nhận hồ sơ qua đường dây nóng" - ông Mẫn cho hay.

Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, từ ngày 26/5 đến nay TPHCM có 362 ca bệnh đã được Bộ Y tế công bố liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục hưng tại quận Gò Vấp.

can-bo-cong-an-lay-sars-cov-2-cho-truong-ban-chi-huy-quan-su-phuong
Phong tỏa con hẻm nơi điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng sinh hoạt và lây truyền dịch bệnh tại quận Gò Vấp

Ổ dịch này tiếp tục phát sinh thêm 6 chuỗi lây nhiễm lớn, gồm: khách sạn Sharaton (quận 1) ghi nhận 12 ca là các đầu bếp và nhân viên phục vụ, đều cách ly từ ngày 28/5; chuỗi ở cà phê Trung Nguyên (số 104 Phổ Quang, quận Tân Bình) ghi nhận 34 ca là nhân viên phục vụ quán, lây ra các hộ gia đình, nhà trọ.

Ngoài ra, chuỗi lây nhiễm tại Trường Mầm non song ngữ Kid Town, quận 12, ghi nhận 26 ca, là giáo viên của trường và lây sang các hộ gia đình, khu nhà trọ. Chuỗi lây nhiễm này đã lây cho các ca bệnh ở Bạc Liêu, Đồng Tháp.

Khu nhà trọ Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, ghi nhận 22 ca là cư dân trong các khu nhà trọ và một số nhân viên làm việc tại công ty Nàng Khô, lây lan cho một người ở Trà Vinh. Công ty TNHH Giải pháp Tầm Nhìn IDS ghi nhận 37 ca là nhân viên công ty và người thân.

Từ chuỗi lây nhiễm này đã phát sinh ổ dịch mới tại toà nhà Samco, quận 1 với 5 ca bệnh. Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN, đường Hoàng Việt, quận Tân Bình, với 91 ca…

can-bo-cong-an-lay-sars-cov-2-cho-truong-ban-chi-huy-quan-su-phuong

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá qua 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 (quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), từ 70 ca nhiễm/ngày cuối tháng 5, số người mắc COVID-19 giảm dần còn 20-25 trường hợp/ngày trong cộng đồng.

Từ ngày 5/6, các trường hợp F1 sẽ được xét nghiệm lần hai nên dự báo số ca mắc và nghi mắc COVID-19 trong những ngày tới có thể tăng cao trở lại. Tuy nhiên, các trường hợp F1 đang được cách ly tập trung, không còn khả năng lây lan cộng đồng nên tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát” – ông Bỉnh nhận xét.


Huy Thịnh

Theo Tiền Phong