Độc chất trong mực xăm - không phải ai cũng biết!

Nhiều phản ứng trùng hợp xảy ra khi mực xăm được đưa vào da. Những muối kim loại có trong mực xăm cũng vô cùng nguy hại, có thể gây đau và phỏng. Những loại phẩm màu nhất là màu vàng, khi gặp ánh sáng sẽ bị phân giải thành những độc tố, ảnh hưởng xấu đến phổi và thận…

Độc chất trong mực xăm - không phải ai cũng biết!

Viện da liễu Hoa Kỳ đã nhiều lần “la làng” về những nguy hại thấy rõ và tiềm tàng có trong thành phần của các loại mực xăm. Hiện người được xăm khó biết được chính xác những gì có trong các loại mực này do các nhà sản xuất mực xăm không bị ràng buộc phải công bố chi tiết, họ cho rằng đây là bí mật thương mại. Thường các mực sử dụng nguyên liệu từ phẩm màu thực vật kèm theo nhựa, oxid sắt, muối kim loại... Một số cơ sở xăm cồn tự chế mực làm từ than, mực bút, máu hoặc những phẩm màu “lạ” mà cho dù dùng các phản ứng phân tích cũng khó mà biết được những thành phần “lạ” này là gì.

Một số loại mực xăm khi đem phân tích cho thấy, trong thành phần có chứa rất nhiều kim loại nặng bao gồm nhôm, barium, cadmium, chromium, cobalt, đồng, thủy ngân, nicken, titanium, kẽm và muối sắt... Ngoài ra, còn chứa các hóa chất hữu cơ như các hợp chất nitrogen, các dẫn chất của naptha, carbon, các hợp chất đa vòng và nhiều hợp chất vô cùng độc như antimony, arsenic, lithium, sulphur, polymethylmethacrylate (PMMA).

Thông thường, các loại hóa chất khác nhau sẽ tạo ra các màu khác nhau. Màu đỏ tạo ra bởi: thủy ngân, cadmium, sắt, ferrocyanid, ferricyanid. Màu cam: cadmium, các hợp chất azo. Màu vàng: chì, cadmium, kẽm, ferrocyanid, ferricyanid, azo. Màu xanh lá cây: chì, chromium, nhôm, đồng, ferrocyanid, ferricyanid, azo. Màu xanh: cobalt, đồng, ferrocyanid, ferricyanid. Màu tím: nhôm, hợp chất azo. Màu nâu: sắt, hợp chất azo. Màu đen: nickel, sắt, carbon. Màu trắng: lead, zinc, titanium, barium.

Tác hại khôn lường

Các loại mực xăm thường gây ra các phản ứng dị ứng. Các báo cáo y học kết luận rằng những phản ứng dị ứng thường xảy ra ở các phẩm mực có màu vàng, màu đỏ và màu trắng. Khi thực hiện những biện pháp xóa vết xăm thì màu đỏ gặp rắc rối nhiều. Ngoài ra, các loại màu cũng dễ gây dị ứng là màu xanh hoặc những màu có chứa nhiều kim loại nặng. Một phản ứng được biết nhiều nhất là nodular granulomateous bị gây ra do các kim loại nặng và hợp chất azo có trong màu đỏ. Bệnh sarcoidosis (một dạng rối loạn mãn tính làm các hạch bạch huyết của nhiều bộ phận cơ thể bị lớn ra và có nhiều hạt thịt nhỏ, thường xuất hiện ở da, gan, phổi, lách...) cũng liên quan tới màu đỏ, màu đen.

Ngoài các phẩm màu thì các chất dẫn (chất giúp phẩm màu hòa tan thành dạng nước) cũng gây tác hại nghiêm trọng. Những chất dẫn này đa phần là alcohol và aldehyd. Alcohol làm tăng tính thâm ở da vì thế càng làm cho các hóa chất độc hại dễ dàng ngấm vào da rồi đi vào hệ tuần hoàn máu. Alcohol càng tạo điều kiện cho những độc phẩm trong mực trở thành những tác nhân gây ung thư. Những chất dẫn phổ biến trong mực bao gồm: ethyl alcohol, denatured alcohol, methanol, propylen glycol, glycerin, formaldehyd...

Tóm lại, mực xăm vô cùng độc, có thể gây hại cho cơ thể tức thì hay lâu dài. Vì vậy nên thận trọng trong việc quyết định đi xăm, hình xăm càng rộng, càng sặc sỡ thì nguy cơ càng cao. Muốn gây ấn tượng không hẳn chỉ là hình xăm. Muốn “đóng dấu” bản lĩnh thì không thiếu gì cách chứ không phải nhất thiết là hình xăm.

Theo DS. Nguyễn Bá Huy Cường (Khoa học Phổ thông / MTG)