Làn sóng 3,7 triệu người rút BHXH một lần: Sao không ai hỏi vì sao?

226.500 lao động đã rút BHXH một lần, tính từ đầu năm 2021. Và, 3,7 triệu kể từ 2014. Vì sao họ không chờ lương hưu mà lại lấy một cục, phải bán của để dành?

Bộ Lao động vừa kiến nghị sửa luật theo hướng hạn chế người lao động nhận BHXH một lần. Mục tiêu, trên giấy tờ, là vì người lao động, tất nhiên.

Rút một lần, hay "lấy một cục" đúng là mất mát nhiều lắm.

Mất tiền, đến 4-5 lần; mất cơ hội; mất lương hưu; mất bảo hiểm y tế. Mất đi "của để dành" để đối diện với một tương lai đầy bất trắc, trở thành gánh nặng.

Tất cả những điều đó, biết nhất, hiểu nhất, và xót xa nhất chắc chắn là những người phải "bán lúa non".

lan-song-3-7-trieu-nguoi-rut-bhxh-mot-lan-sao-khong-ai-hoi-vi-sao

Đối với người có tiền, có điều kiện thì vài triệu là ít. Nhưng với lao động thì rất khó khăn nên vài triệu là cả tài sản mà họ phải làm việc cật lực mới có được - Phát ngôn của ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm khi điều 60 Luật BHXH bị người lao động phản đối năm 2015. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhưng họ vẫn bán, vẫn cầm cố, vẫn rút một lần khi bị đẩy vào những tình thế cấp bách mà chẳng có bất cứ gì ngoài cuốn sổ BHXH.

Lương tối thiểu hàng năm vẫn được điều chỉnh. Nhưng sống được bằng lương vẫn là câu chuyện ở thì tương lai.

Chứ đừng nói đến dịch bệnh khiến hơn 32 triệu người bị ảnh hưởng thu nhập, việc làm. Khi ấy, với mức thu nhập không tích luỹ người lao động có cách nào khác là vay mượn, với bất cứ lãi suất nào, hay cầm cố, với bất cứ tài sản gì.

Ai mà không biết lương hưu là yếu tố đảm bảo tương lai. Nhưng chờ được đến tương lai, với tình cảnh quẫn bách lại là một câu chuyện không dễ.

Còn nhớ tháng 7 năm ngoái, khi phát hiện sự biến có cả ngàn người lao động phải cầm cắm, bán non sổ BHXH, công an Củ Chi có lần mời 49 người tới trụ sở. Tất cả họ đều có một lý do chung: họ không còn bất cứ gì để thế chấp ngoài sổ BHXH.

Và, không ít những trường hợp "bán non" sổ với với giá 20 triệu đồng trong khi chỉ 5 tháng sau là đến thời hạn lãnh một cục- được 25 triệu đồng.

Chúng ta chắc sẽ bật ra câu hỏi: Sao những người không còn bất cứ gì, phải "gán nợ tương lai", bán "của để dành" chỉ để có khoản tiền 20 triệu đồng lại không thể chờ thêm 5 tháng nữa. 5 tháng để khỏi mất thêm 5 triệu đồng.

Xin được trả lời câu hỏi này bằng một câu hỏi: Vậy thì những khốn quẫn bức bách ấy có thể chờ 20, 25 năm để khỏi phải "rút một lần", có chờ nổi đến đến 60, 62 tuổi để được lương hưu?!

Năm 2015, khi điều 60 Luật BHXH bị phản ứng khi hạn chế người lao động được hưởng BHXH một lần, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa từng phát biểu nghị trường: "Người làm luật phải suy nghĩ vì sao dân biết nhận lương hưu sẽ có lợi hơn nhưng vẫn chọn hưởng một lần?".

Và ông cho rằng: Làm luật phải bám vào thực tiễn.. phải tạo điều kiện cho người ta lựa chọn, không được tước đoạt quyền chọn lựa của người lao động.

Theo Lao động