Siêu thị về tay người Thái, hàng Việt phải chật vật mới được lên kệ

Hiện nay, tại hệ thống siêu thị Big C và Metro Hà Đông (Hà Nội), các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm đến từ Thái Lan, đặc biệt là về chất lượng.

Tập đoàn Central Group của gia đình tỉ phú Thái Lan Chirathivat đã chính thức hoàn tất chuyển nhượng thương vụ mua lại Big C Việt Nam với giá 1,1 tỉ USD. Theo đó, toàn bộ hệ thống siêu thị Big C của Việt Nam sẽ thuộc quyền sở hữu của Central Group thay vì Tập đoàn Casino (Pháp).

Tại thương vụ này, Central Group đã vượt qua hàng loạt các đối thủ nặng ký như: TCC Group (Thái Lan), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Masan và Saigon Co.op (Việt Nam)… để trở thành chủ sở hữu mới của hệ thống Big C Việt Nam.

Hàng Thái "ồ ạt" lên kệ, hàng Việt lép vế

Sau khi Big C về tay tập đoàn Central Group, theo ghi nhận của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới tại siêu thị Big C (Trần Duy Hưng, Hà Nội), các mặt hàng từ bột giặt, nước chấm, gia vị... đến bánh kẹo, mì ăn liền của Thái Lan đều được bày bán rất nhiều trên kệ của siêu thị. Thậm chí, những mặt hàng này còn được bày lẫn với hàng Việt Nam. Cứ như vậy, hàng Thái đã "âm thầm" đến tay người tiêu dùng và nhận được sự ưa chuộng, ưu ái từ người tiêu dùng Việt Nam.

Đặc biệt, tại các quầy bán hàng Thái, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... người tiêu dùng Việt luôn tập trung mua rất đông. Trong khi đó, các mặt hàng Việt luôn vắng bóng khách.

Chị Tuyết Trâm (Ngã Tư Sở, Hà Nội) vừa loay hoay tìm bánh kẹo trên kệ hàng vừa chia sẻ: "Gia đình tôi rất tin tưởng các sản phẩm Thái Lan, từ nước chấm, gia vị... đến quần áo. Trong nhiều năm nay, nhà tôi đã quen sử dụng các sản phẩm Thái. Còn về phía hàng Việt Nam, nhiều sản phẩm vẫn khiến tôi lo lắng về chất lượng".

Cũng theo chị Trâm, các sản phẩm của Thái Lan có mức giá vừa phải nhưng đặc biệt rất bền và mẫu mã cũng đa dạng.

Một nhân viên bán hàng tại siêu thị Big C cho hay, trong thời gian qua, số lượng hàng Thái nhập khẩu tại siêu thị đã tăng lên đáng kể do các sản phẩm này rất được người Việt tin dùng. 

 

Không chỉ riêng siêu thị Big C, tại siêu thị Metro (Hà Đông), hàng loạt mặt hàng Thái Lan đang "rục rịch" lên kệ chờ bán. Từ mì tôm, xà phòng đến đồ uống, gia vị... có xuất xứ từ Thái Lan đều được bán ngay lối vào siêu thị. Thậm chí, những sản phẩm Thái còn được siêu thị ưu tiên áp dụng những chương trình khuyến mại, giảm giá để thu hút người tiêu dùng. Trước đó, vị trí này vốn là những sản phẩm của Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ "mất chỗ" trong siêu thị

Đầu tháng 5 vừa qua, việc hàng loạt doanh nghiệp nông sản thực phẩm Việt Nam đứng trước nguy cơ phải rút hàng khỏi quầy, kệ của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam do Big C đòi chiết khấu tăng quá ngưỡng chịu đựng, một lần nữa đặt ra nghi vấn rằng Big C đang muốn loại doanh nghiệp Việt ra khỏi siêu thị.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), để vào được hệ thống Big C, doanh nghiệp trong nước phải chịu nhiều loại chiết khấu khác nhau như: chiết khấu tháng cho cửa hàng, chiết khấu doanh số theo bậc, chiết khấu cho điểm bán mới, chiết khấu sinh nhật (kỷ niệm ngày khai trương của siêu thị)... Cụ thể, mức ngưỡng chiết khấu để tồn tại trong ngành thủy sản là 15% nhưng Big C đòi chiết khấu lên đến 17 - 20%.

Ngoài ra, có doanh nghiệp phải chịu gần 15 loại phí khi đưa hàng vào Big C, bao gồm: Chi phí tham gia chương trình khuyến mãi, chi phí cho dùng thử sản phẩm, chi phí hỗ trợ cho lễ hội khách hàng, phí hỗ trợ sinh nhật siêu thị, phí tập hợp đơn hàng, phí hỗ trợ khai trương siêu thị mới, chi phí tháng cho việc tham gia chương trình thẻ khách hàng, chi phí tháng cho thương lượng chung, chi phí tháng cho tối ưu hóa sản phẩm, chi phí cho việc nhập hàng mới, chi phí cho thuê mướn vị trí thử mẫu, hỗ trợ mở rộng siêu thị, hỗ trợ chi phí vận chuyển tháng...

Theo VASEP, các doanh nghiệp trong nước đánh giá mức chiết khấu này là quá cao, vượt qua sức chịu đựng của họ. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là cách mà siêu thị này muốn "đuổi khéo" hàng Việt ra khỏi siêu thị.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, đại diện một doanh nghiệp tại Hà Nội, cho biết: "Để rút một sản phẩm nào đó khỏi kệ thì siêu thị đó cũng phải mất 6 tháng. Còn đối với việc điều chỉnh giá thì sẽ rất khó khăn vì gần như không thể thực hiện được".

Trước tình hình bị ép chiết khấu, vẫn có những doanh nghiệp có lãi, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp đã phải rút lui chỉ vài tháng sau khi đưa hàng lên kệ. Đây sẽ là cơ hội cho hàng hóa ngoại thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp ngoại xâm nhập hoặc các hệ thống siêu thị lớn đang thay chủ như: Aeon Nhật Bản, Lotte Hàn Quốc hay mới đây là Metro, Big C về tay người Thái.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cuộc đổ bộ của hàng Thái vào thị trường Việt Nam đã đến ngưỡng phải lo lắng trong khi doanh nghiệp Việt lại chuyển mình chậm chạp. Điều đáng lo không chỉ ở hệ thống phân phối mà còn ở sản xuất bởi phân phối sẽ chi phối sản xuất.

Để hàng Việt đứng vững chắc trong các siêu thị và có được lòng tin của người tiêu dùng Việt, ông Phú cho rằng đầu tiên là phải cải thiện về chất lượng. Sau đó, các doanh nghiệp Việt cần đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, mua chung bán chung để có mức giá tốt. Cần có người dẫn đầu, tổ chức chiến lược, liên kết kinh doanh thì mới cạnh tranh bền vững được trên sân nhà và tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường của các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước.

Theo Tuyết Nhung (Motthegioi)

Ảnh: Các mặt hàng Thái Lan được bày bán rất nhiều tại siêu thị Big C.