TP.HCM biên soạn bộ sách giáo khoa riêng: Có nên áp dụng trên toàn quốc?

Mới đây, thông tin TP.HCM biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) riêng đang được dư luận quan tâm.

Với mục tiêu giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính thực tiễn và ứng dụng kiến thức vào cuộc sống, bộ SGK này được “quảng bá” là “sát sườn” hơn với học sinh và giáo viên.

Tuy nhiên, chủ trương của sở GD&ĐT TP.HCM về việc xây dựng SGK đặc thù cho TP gây ra nhiều quan điểm trái chiều. Chuyên gia lo lắng về chất lượng, còn phụ huynh lo lắng cả về chất lượng lẫn số lượng (những lần thay sách) và tất nhiên là cả về giá thành của sách... Những người khác lại đặt câu hỏi: Sẽ ra sao nếu các tỉnh thành khác cũng áp dụng mô hình này?

Liệu chất lượng có tốt hơn?

TP.HCM đã bắt tay vào thực hiện một bộ SGK riêng, xuất phát từ việc muốn xây dựng một chương trình phù hợp với đặc trưng địa phương, giúp học sinh dễ hiểu và tiếp nhận.

Một vị lãnh đạo sở lý giải rằng một số từ ngữ của miền Bắc khi dạy ở TP. HCM thì học sinh không hiểu, đơn cử như miền Bắc thì dùng từ tàu hỏa, trong khi học sinh miền Nam lại dùng từ tàu lửa. Bên cạnh đó, nhiều địa danh ở TP rất cần để học sinh biết đến. Chủ trương biên soạn SGK riêng của TP, phù hợp với thực tiễn TP nhưng vẫn bám sát chương trình khung quốc gia, đã được bộ GD&ĐT phê duyệt.

Từ năm 2009, sở GD&ĐT TP.HCM đã biên soạn lần lượt bộ tài liệu dạy học môn Vật lý, môn Toán và mới đây là tiếng Anh. Với cam đoan bộ SGK mới sẽ đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp, khắc phục việc nhồi nhét, truyền thụ kiến thức thông qua hình ảnh, bộ SGK này hứa hẹn giúp học sinh tiếp thu tốt hơn.

Theo lãnh đạo sở GD&ĐT TP.HCM, đội ngũ biên soạn tài liệu này gồm có các thầy cô bộ môn của Sở, các trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố. Trên thực tế, từ năm 2013, TP.HCM đã thí điểm đưa vào sử dụng SGK Vật lý do sở GD&ĐT TP biên soạn ở khối lớp 6, 7.

Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo giới, lãnh đạo sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở không bắt buộc các trường phải sử dụng bộ tài liệu này thay thế hoàn toàn SGK mà tùy theo điều kiện từng trường để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng.

Theo các giáo viên, khi giới thiệu cho phụ huynh về những cái hay và bổ ích của tài liệu này, nhiều phụ huynh thắc mắc tại sao phải mua thêm trong khi đã có SGK rồi, thêm vào đó, giá thành của những tài liệu này khá cao nên không phải phụ huynh nào cũng đồng ý mua. Sách do Sở biên soạn có giá 35.000 đồng/quyển, trong khi sách của Bộ chỉ 6.500 đồng.

Giáo dục sai thì không sửa được

Khi tiếp nhận thông tin về vấn đề này, chị Nguyễn Thu Lan (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Là người không phải làm việc trong ngành giáo dục nhưng tôi thấy SGK nên biên soạn một bộ sách chuẩn, tránh tình trạng thay đổi liên tục và có những sai sót không đáng có.

Đặc biệt những người viết sách phải có kinh nghiệm đứng lớp, đang trực tiếp giảng dạy, trước lúc in sách phải lấy ý kiến đóng góp rộng rãi tránh việc tổ chức hội nghị, hội thảo chỉ bó hẹp ở phạm vi các giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu chứ không có ý kiến của các giáo viên trực tiếp giảng dạy. Trước khi in phải rà soát kỹ lại để tránh in rồi mới phát hiện sai sót”.

Trong khi đó, anh Phạm Văn Tùng, phụ huynh có con học tại một trường tại quận I, TP.HCM bình luận thẳng thắn:

“SGK sát thực tế hơn là tốt cho học sinh. Tuy vậy, cái chính là chương trình cần giảm tải nhiều hơn nữa, để số bài còn lại tuy ít nhưng có nhiều thời gian hơn cho thầy và trò đi vào phương pháp, đi vào thực tế và lặp đi lặp lại kỹ năng. Chương trình mà không giảm tải thì SGK có hay bao nhiêu đi chăng nữa thì thầy và trò cũng chẳng dùng được hết những cái hay đó. Giáo dục sai không sửa được nên tôi hy vọng con em mình không bị đưa ra làm vật thí nghiệm”.

Ngoài ra, việc TP.HCM xây dựng SGK đặc thù cho TP cũng gây ra nhiều băn khoăn. Một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục chia sẻ: “Tỉnh thành nào cũng có cái đặc thù riêng, cứ như cách làm của sở GD&ĐT TP.HCM thì rồi đây mỗi tỉnh thành lại tự soạn bộ giáo khoa riêng thì không biết sẽ thế nào?

Theo tôi được biết, không có quốc gia nào mà có chuyện làm sách giáo khoa riêng cho một khu vực nhất định. Người ta có nhiều bộ sách khác nhau tùy theo sự thẩm định và nội dung mà chọn cho phù hợp. Cái cần thiết bây giờ là ta phải đổi mới tư duy giáo dục trong đó phương pháp giáo dục và người thầy là quan trọng nhất”.

GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Phải rút kinh nghiệm bài học trước đây đã làm"

Trao đổi với báo giới, GS. Phạm Minh Hạc cho rằng quá nhiều bộ SGK sẽ gây nhiễu loạn cho cả người quản lý và giáo viên, học sinh. Nói nhiều bộ SGK thì không biết là bao nhiêu bộ, nên chăng xác định rõ sẽ có bao nhiêu bộ SGK. Tối đa nên là 3 - 4 bộ sách mới, đồng thời quy định ai sẽ đứng ra chọn sách.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước thì người ta quy định cụ thể, ví dụ, do tổ trưởng bộ môn với tập thể bộ môn ở trong trường cùng chọn sách hoặc là Hội đồng chuyên môn của một trường đứng ra chọn sách; trường hợp thứ ba là phòng GD&ĐT của một quận, huyện đứng ra tổ chức để chọn sách. Rồi phải quy định khi tổ chức kiểm tra đánh giá, thi cuối năm phải theo chương trình chứ không phải theo sách.

Chúng ta đã từng biên soạn nhiều bộ SGK và đã hình thành một quy trình chặt chẽ, có thể dựa vào đó để làm SGK mới. Khi tôi làm Bộ trưởng đã có 2 bộ sách khác nhau cho 2 môn Văn - Toán.

Chính tôi là người trực tiếp đi mời các tác giả viết sách, không có đồng tiền nào của Chính phủ cho cả. Đó là năm 1988, 1989 sau đó đến 2001 thì Quốc hội hủy bỏ. Phải rút kinh nghiệm bài học trước đây đã làm, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của thế giới họ đã làm mấy thập kỷ nay rồi. Nói thế để thấy rằng chúng ta có thể làm được một bộ SGK tốt, một chương trình chuẩn, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào mà thôi.

PGS. TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng vụ GD Trung học, ủy viên bộ phận Thường trực ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK, Bộ GD&ĐT: “Nếu không đáp ứng được thì phải thay hoặc điều chỉnh”

Nghị quyết 88/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và Quyết định 404/CP phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Thủ tướng Chính phủ đều nêu rõ chủ trương thực hiện một chương trình nhiều SGK sau 2015.

Theo đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông do bộ GD&ĐT ban hành. Để chủ động về tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Chính phủ giao bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK.

Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn. Theo lộ trình, đến năm học 2018-2019 sẽ triển khai dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Muốn làm sách, trước hết phải có chương trình và chuẩn chương trình.

Bộ SGK riêng mà TP.HCM đang biên soạn là sách dựa trên chương trình và SGK hiện hành, được biên soạn theo tinh thần mới. Điều đó đồng nghĩa với việc đến năm học 2018-2019, nếu SGK này đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới thì đương nhiên được dùng, nếu không đáp ứng được thì phải thay hoặc điều chỉnh cho phù hợp với chương trình mới.

TS. Lương Hoài Nam, tác giả cuốn sách “Kẻ trăn trở”: Mọi sự độc quyền, cào bằng đều không tốt"

Tôi ủng hộ TP.HCM biên soạn sách giáo khoa riêng. Không chỉ sách giáo khoa riêng, mà tôi ủng hộ TP.HCM, Hà Nội và các địa phương có điều kiện xây dựng chương trình giáo dục phổ thông riêng phù hợp với các điều kiện và mục tiêu giáo dục của địa phương.

Ở Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản và hầu hết các nước có nền giáo dục tiên tiến người ta đều làm như thế. Không có lý gì để cào bằng chương trình giáo dục giữa các địa phương có các điều kiện kinh tế - xã hội quá khác nhau.

Nhiều địa phương có thể làm tốt hơn mặt bằng chung, ngoài ra cũng là để tạo ra sự cạnh tranh giáo dục. Mọi sự độc quyền, cào bằng đều không tốt, kể cả trong giáo dục. Bộ GD&ĐT chỉ cần ban hành “Chuẩn kiến thức, kỹ năng” và “Chương trình giáo dục phổ thông tham khảo”.

Còn lại là việc của các địa phương, các trường. Ở Trung Quốc, Thượng Hải theo chương trình giáo dục riêng, sách giáo khoa riêng, cách thi cử riêng và đã trở thành mô hình giáo dục mẫu mực, Anh, Mỹ còn phải sang nghiên cứu. Đợt cải cách giáo dục gần đây của Malaysia cũng chuyển dần quyền quyết định chương trình giáo dục và SGK cho các địa phương và nhà trường.

Theo THANH XUÂN (ĐSPL)