Vạch trần mánh khóe của 'chàng trai, cô gái' lừa tiền từ thiện ở miền Tây

Công an bắt giữ nhóm người ở miền Tây chuyên lập nhiều tài khoản Facebook để lừa tiền từ thiện với số lượng lớn.

Công an các tỉnh thành ở miền Tây đưa ra cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi từ thiện.

Công an TP Cần Thơ cho biết, thông qua mạng xã hội, các đối tượng tạo các tài khoản Facebook, Zalo ảo (tài khoản giả)… đăng tin, bài viết, hình ảnh tạo dựng nội dung không có thật về những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người mắc bệnh hiểm nghèo cần số tiền lớn để trị bệnh hoặc vượt qua hoàn cảnh.

Để tạo lòng tin cho các nhà hảo tâm, các đối tượng đã cắt ghép những hình ảnh của tổ chức, cá nhân trao tặng từ thiện trên các kênh thông tin đại chúng để đăng tải lên tài khoản của mình và chèn vào số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ của mọi người và sử dụng vào mục đích cá nhân…

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng cộng nghệ cao Công an, tỉnh Đồng Tháp đã bắt giữ Huỳnh Phương Thủy, giao cho cơ quan điều tra Công an TP Cao Lãnh điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Huỳnh Phương Thủy, 20 tuổi, quê ở thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, do cần tiền tiêu xài nên tạo nhiều tài khoản Facebook tên “Thu Nguyễn”, “Thúy Phương”, “Loan Nguyễn”, “Ngọc Trâm”, “Thuy Thuy”.

vach-tran-manh-khoe-cua-chang-trai-co-gai-lua-tien-tu-thien-o-mien-tay

Đối tượng Huỳnh Phương Thủy. Ảnh: Phước Khanh

 

Công an chỉ ra thủ đoạn của Thủy là sau khi lập các tài khoản, cô ta lên mạng xã hội tìm hình ảnh của các tổ chức từ thiện quyên góp cho những người có số phận bất hạnh.

Sau đó, Thủy thay đổi số tài khoản của các tổ chức từ thiện thành số tài khoản của mình rồi đăng tin, bài viết, hình ảnh lên các hội nhóm có đông thành viên.

Thủy cũng vào các trang quyên góp từ thiện chính thống có nhiều người quyên góp để tải các hình ảnh thể hiện việc chuyển tiền của những nhà hảo tâm.

Đặc biệt, Thủy nhắn tin với chủ tài khoản quyên góp chính thống yêu cầu được hoàn tiền lại với lý do “trực tiếp cho tiền người cần giúp đỡ. Người chủ tài khoản quyên góp chính thống không kiểm tra và đã chuyển tiền cho Thủy”.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Đồng Tháp bắt giữ đối tượng Thủy tại Đồng Nai. Công an sao kê tài khoản ngân hàng của Thủy thấy phát sinh nhiều giao dịch nhận tiền quyên góp với khoảng 140 triệu đồng.

Lừa hàng đảo hàng tỷ đồng

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng cộng nghệ cao, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết đã phát hiện nhiều tài khoản mạng xã hội “ảo” đăng nhiều tin, bài, hình ảnh giả mạo để lừa tiền từ thiện.

Đơn cử, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bắt quả tang đối tượng Đỗ Minh Hậu (31 tuổi) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thủ đoạn của Hậu là lấy hình ảnh trên mạng sau đó tạo tài khoản Facebook tên “Nguyễn Phương Nga” đăng tải thông tin Hậu đang bị ung thư máu và có người con gái 19 tháng tuổi bị bỏng nặng đang điều trị tại bệnh viện, mẹ cháu bé đã mất, để kêu gọi mọi người chuyển tiền giúp đỡ…

Khi Hậu đang rút tiền từ tài khoản thì bị lực lượng Công an bắt giữ. Khám xét phòng trọ đối tượng Hậu thuê, lực lượng Công an thu giữ gần 700 triệu đồng.

Hay như năm 2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phúc (quê Kiên Giang) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phúc làm nghề quảng cáo cho các trang Facebook bán hàng online.

Từ năm 2019 đến tháng 4/2020, Phúc dùng Facebook “Nguyễn Minh Minh” đăng tải các trường hợp người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, để kêu gọi tiền từ thiện. Do vi phạm các chính sách trên mạng xã hội nên Facebook “Nguyễn Minh Minh” bị khóa.

Sau đó, Phúc mua một tài khoản Facebook tên “Nguyễn Ngọc” để tiếp tục kêu gọi tiền từ thiện. Phúc còn dùng tên tài khoản là “BAO CAN THO”, để mọi người tưởng là tài khoản ngân hàng của Báo Cần Thơ chuyển tiền vào.

Số tiền các bị hại sau khi chuyển vào tài khoản ngân hàng, Phúc dùng ứng dụng chuyển khoản trên điện thoại để chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau, rồi rút ra chiếm đoạt.

Tại cơ quan điều tra, Phúc khai nhận từ đầu năm 2019, gã đã đăng tải thông tin các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật để kêu gọi quyên góp, ủng hộ từ thiện, chiếm đoạt tổng cộng hơn 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Phúc còn làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với các loại giấy tờ như bằng cấp, căn cước công dân...

Công an khuyến cáo mọi người cần nêu cao cảnh giác, không tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng, tìm hiểu những thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội.

Nên liên hệ chính quyền địa phương, bệnh viện nơi người cần giúp đỡ hoặc nơi điều trị bệnh của họ để được kiểm chứng thông tin; tổ chức, cá nhân khi làm từ thiện tốt nhất nên liên hệ với các chương trình từ thiện do Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép tổ chức.

Nếu phát hiện nghi ngờ hoạt động lừa đảo thì báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.

Theo GiaDinh