Xử lý nghiêm các trường hợp ngâm tẩm thực phẩm với hóa chất cực độc gây hại cho người dùng

Thời gian qua lực lượng chức năng nhiều tỉnh thành đã phát hiện nhiều cơ sở có hành vi ngâm tẩm hóa chất vào thực phẩm gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Phát hiện cơ sở nghi rửa cá bằng nước có trộn hóa chất 

Vụ việc gần đây nhất phải nhắc tới chính là phát hiện một cơ sở chế biến cá khô bằng hóa chất cực độc xảy ra tại Vũng Tàu. Theo đó, vào tối 7/5, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện một doanh nghiệp chế biến hải sản ở huyện Long Điền nghi dùng hóa chất độc hại để ngâm cá. Đó là Công ty TNHH H.V, xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, công ty này hoạt động từ năm 2006 với loại hình sản xuất chế biến cá khô, công suất thiết kế khoảng 30 tấn sản phẩm/năm.

Đáng chú ý, khi kiểm tra khuôn viên công ty, công an phát hiện hai thùng nhựa màu xanh (loại 35kg/thùng), bên ngoài thùng có giấy thông tin bằng chữ Thái Lan và có dòng "Interox ST50" to, đậm trên giấy. Trong hai thùng này, một thùng đã hết nguyên liệu bên trong, thùng còn lại vẫn đầy chất lỏng.

Tiếp tục kiểm tra, công an phát hiện hai thùng hóa chất trên có tờ giấy ghi "nhãn phụ". Theo nội dung của tờ giấy này, đây là "hóa chất dùng trong công nghiệp dệt", với thành phần định lượng là "hydrogen peroxide" nhỏ hơn hoặc bằng 50%.

Sản phẩm này do Thái Lan sản xuất và được nhập khẩu bởi một công ty TNHH hóa dược có địa chỉ tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An.

xu-ly-nghiem-cac-truong-hop-ngam-tam-thuc-pham-voi-hoa-chat-cuc-doc-gay-hai-cho-nguoi-dung

 Cá được tẩm hóa chất độc hại được phát hiện tại Vũng Tàu. Ảnh: Tuổi trẻ

Đặc biệt trên nhãn phụ có mục "cảnh báo an toàn" có ghi: H272 có thể gây cháy dữ dội, H302 có hại nếu nuốt phải, H314 gây bỏng da nặng và tổn thương mắt, H335 có thể gây kích ứng hô hấp và H401 độc đối với thủy sinh vật.

Làm việc với cơ quan công an, đại diện doanh nghiệp trên thừa nhận sử dụng loại hóa chất này để ngâm, tẩy rửa cá hơn một năm nay, trong đó mới nhất là đầu năm 2021 mua gần nửa tấn hóa chất trên. Tối 7/5, trước khi bị công an kiểm tra, cơ sở vừa mới thực hiện xong công đoạn "rửa cá" bằng nước có trộn hóa chất nói trên.

Theo trình bày của đại diện doanh nghiệp H.V, quy trình chế biến cá được làm như sau: ngâm cá nguyên liệu ba ngày trong bể nước muối, sau đó vớt ra cắt đầu, bỏ nội tạng. Tiếp đó, dùng một bồn nhựa pha trộn 800 lít nước với 1,5 lít hóa chất "hydrogen peroxide interox ST50" bỏ cá sơ chế vào ngâm khoảng 30 phút. Sau đó, đưa ra phơi khô, đóng thùng đưa đi tiêu thụ. Cảnh sát môi trường đã niêm phòng thùng còn chất lỏng bên trong để tiếp tục điều tra. 

Phát hiện cơ sở dùng hóa chất ngâm thịt ốc bươu trước khi bán ra chợ và tiệm ăn

Trước đó phòng cảnh sát môi trường Công an TP.HCM đã phát hiện một cơ sở ngâm thịt ốc bươu với hóa chất công nghiệp, sau đó cung cấp cho một số chợ và tiệm ăn.

Theo thông tin ban đầu, đội 5 Phòng cảnh sát môi trường Công an TP.HCM bất ngờ ập vào kiểm tra một cơ sở sơ chế thịt ốc tại khu dân cư Bến Lức (phường 7, quận 8) do ông H. làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhân viên đang dùng hóa chất công nghiệp để ngâm thịt ốc.

Làm việc với cơ quan công an, bước đầu ông H. cho biết việc pha hóa chất với nước để ngâm thịt ốc là để làm sạch, tươi bóng và tăng ký trước khi giao cho một số chợ và tiệm ăn.

Tại cơ sở trên, cơ quan công an ghi nhận gần 500kg hóa chất và hơn 1,3 tấn thịt ốc bươu đã được ngâm hóa chất. Công an đã tạm giữ số tang vật liên quan, tiến hành xác định hóa chất thu được tại cơ sở trên.

Ngâm củ cải bằng hóa chất cấm, lãnh 1 năm 6 tháng tù

Toàn án nhân dân quận Thủ Đức đã xét xử bị cáo Bùi Văn Sáng (36 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) về tội "vi phạm quy định về an toàn thực phẩm" do ngâm củ cải bằng hóa chất cấm. Đây là lần đầu tiên cơ quan tố tụng tại TP.HCM truy tố, xét xử hành vi này.

Theo cáo trạng, Sáng là chủ cơ sở chế biến nông sản tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức. Cơ sở của Sáng chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 

Sáng thuê 3 nhân viên (chưa rõ lai lịch) có nhiệm vụ rửa củ cải đỏ, củ cải trắng cung cấp cho khách hàng tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (khu phố 5, phường Tam Bình, quận Thủ Đức).

Sáng chỉ đạo các nhân viên này liên hệ mua hóa chất Sodium Sulfate (Na2SO4) của một người bán hóa chất (không rõ lai lịch) tại chợ Tam Bình, quận Thủ Đức để rửa và ngâm củ cải cho khách. Giá rửa 1 kg củ cải là 500 đồng.

Theo sự chỉ dẫn của Sáng, sau khi củ cải được rửa bằng nước sinh hoạt thì các nhân viên sẽ sử dụng một muỗng cà phê hóa chất pha loãng với nước để ngâm. Mỗi ngày các nhân viên này dùng hóa chất để ngâm khoảng 7- 8 tấn củ cải cho khách, thu lợi từ 3,5 triệu - 4 triệu đồng.

Sau đó Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.HCM kiểm tra cơ sở chế biến nông sản của Sáng thì phát hiện cơ sở này có hành vi rửa, ngâm củ cải bằng hóa chất cấm nên lập biên bản và thu giữ vật chứng.

Tang vật thu giữ được gồm 1,6 tấn củ cải trắng và 1,5 tấn củ cải đỏ đã được ngâm hoá chất, tổng giá trị là 11,8 triệu đồng. Ngoài ra, công an còn thu giữ 250gr bột màu trắng, qua giám định là chất Sodium dithionete (Na2S2O4) và Sodium Sulfate (Na2SO4).

Theo thông tư 02/VBHN-BYT của bộ trưởng Bộ Y tế về quản lý phụ gia thực phẩm, các chất này nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

Bắt quả tang cơ sở ngâm hóa chất tẩy trắng hàng trăm ký nội tạng bò

Công an TP Biên Hòa, Đồng Nai đã phát hiện một cơ sở thu mua nội tạng bò mang về chế biến, ngâm hóa chất làm trắng trước khi mang đi tiêu thụ.

Thông tin ban đầu, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP Biên Hòa bất ngờ ập vào cơ sở chế biến nội tạng bò tại số nhà 76/10, KP.9, P.Tân Hòa do bà Huỳnh Thị Kim Hoa (33 tuổi) làm chủ. Tại thời điểm lực lượng chức năng vào kiểm tra có 6 người đang chế biến nội tạng bò dưới sàn nhà dơ bẩn với số lượng lớn.

Tiếp tục kiểm tra, công an phát hiện nhiều thùng xốp đựng hóa chất màu đen đặc, bên trong chứa hàng trăm ký nội tạng bò. 

Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở khai mua nội tạng bò tại một số lò mổ trên địa bàn TP Biên Hòa và các huyện lân cận với giá rẻ mang về chế biến, tẩy trắng rồi mang đi các chợ đầu mối ở Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM tiêu thụ. Trung bình mỗi ngày, cơ sở bà Hoa chế biến khoảng 300 kg nội tạng bán ra thị trường.

Theo VietQ