7 giải đáp quan trọng về khám thai cho mẹ bầu

Sinh con là thiên chức của những người làm vợ. Bên cạnh niềm hạnh phúc luôn kèm theo những lo lắng, bất an trong quá trình mang thai.

Hiểu được cảm giác của những người lần đầu làm mẹ Phunutieudung.vn đã có cơ hội làm việc với Bác sĩ CK2 Hồ Kỳ Thu Nguyệt – Bệnh viện Từ Dũ để giúp các mẹ giải đáp những câu hỏi, những thắc mắc của mình về quá trình khám thai cũng như những điều cần biết trong suốt thai kì.


Bác sĩ CK2 Hồ Kỳ Thu Nguyệt - Bệnh viện Từ Dũ

 - Hỏi: Con có thai lần đầu nên không biết đi khám thai như thế nào cho đúng. Bác có thể cho con xin các mốc để khám thai?

(Quỳnh Như, quynhnhu**@gmail.com)

Bác sĩ CK2 Hồ Kỳ Thu Nguyệt: Chào bạn, tôi giới thiệu với bạn về các mốc khám thai để bạn có thể theo dõi sức khỏe thai nhi một cách đầy đủ. Người ta chia thành 3 mốc chính:

1, Ba tháng đầu:

Sau khi trễ kinh khoảng 2 tuần: xác định vị trí thai, tuổi thai, và những bất thường khác đi kèm (ví dụ như u buồng trứng, thai trứng…).

- Từ 7 đến 8 tuần: xác định phôi thai, tim thai, và tính lại tuổi thai.

- Từ 11 đến 13 tuần 6 ngày:

+ Siêu âm độ mờ da gáy, xác định dị tật bẩm sinh (hội chứng Down – Trisomie 21, hội chứng Trisomie 13, 18).

+ Có thể thử máu double test, huyết đồ, nhóm máu, viêm gan siêu vi, HIV, giang mai ...

- Đánh giá sức khỏe của mẹ và các bệnh lý nội khoa đi kèm.

2, Ba tháng giữa: tính từ 14 đến 28 tuần 6 ngày:

- Từ 14 đến 20 tuần 6 ngày: nếu chưa làm những xét nghiệm trên thì sẽ làm và làm triple test nếu chưa làm Double test.

- Từ 21 đến 28 tuần: siêu âm 4D để xác định một số các dị tật bẩm sinh khác nếu có.

- 1 tháng khám 1 lần.

3, Ba tháng cuối:

- 29 - 32 tuần khám 1 lần.

- Từ 33 đến 35 tuần khám 2 tuần 1 lần + siêu âm màu.

- Từ tuần 35 trở đi: gắn máy theo dõi tim thai mỗi tuần một lần và theo dõi bất thường nếu có.

Lịch khám thai có sự thay đổi nếu sản phụ có những bất thường như đau bụng ra huyết, nước ối…


Sau khi trễ kinh khoảng 2 tuần các bạn nên đi siêu âm

- Hỏi: Khi biết con mang thai bé gái, nhà chồng con đã không tin với kết quả đó nên yêu cầu con đi siêu âm lại tại các phòng mạch khác. Con sợ siêu âm nhiều sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Bác thấy thế nào ạ?

(Uyên Nguyễn, uyennguyen*****@yahoo.com.vn)

Bác sĩ CK2 Hồ Kỳ Thu Nguyệt: Hiện nay Bộ Y Tế nghiêm cấm tất cả các phòng khám, bệnh viện công bố giới tính của thai nhi vì vậy bạn nên giải thích để gia đình thông cảm và chia sẻ với bạn. Riêng siêu âm không ảnh hưởng tới thai nhi, bạn có thể yên tâm.

- Hỏi: Theo bác, siêu âm tiền sản có quan trọng không ạ? Đóng vai trò như thế nào? Con làm nông ở quê, cách thành phố xa lắm, nếu không có khả năng đi siêu âm tiền sản thì sẽ xảy ra những hậu quả gì?

(Bé Bi, bibang****@yahoo.com.vn)

Bác sĩ CK2 Hồ Kỳ Thu Nguyệt: Siêu âm tiền sản đóng vai trò quan trọng trong những trường hợp trong quá trình khám thai có nghi ngờ bất thường, hay những sản phụ nguy cơ cao như tiền căn đã có em bé DTBS, Đái tháo đường thai kỳ…

- Hỏi: Thưa bác, khi có bầu em có thể đi khám răng không ạ? Điều đó có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thai nhi?

(Bạn đọc, xinhxinh***@yahoo.com)

Bác sĩ CK2 Hồ Kỳ Thu Nguyệt: Trong quá trình mang thai do ảnh hưởng của nội tiết nên nướu răng nhạy cảm với các mảng bám và vi khuẩn vì vậy trong lúc có thai dễ bị các bệnh răng miệng. Tốt nhất cần kiểm tra các bệnh về răng miệng trước khi có thai. Khi đã có thai nếu mắc các bệnh về răng miệng cần tới nha sĩ khám tránh tự ý dùng thuốc gây ảnh hưởng tới thai nhi.

- Hỏi: Con hiện đang làm kinh doanh, thời gian rất bận. Nếu con không đi đo tim thai thì có ảnh hưởng gì đến quá trình sinh nở không? Hiện con được 30 tuần.

(Quỳnh Thư, quynhthu******@gmail.com)

Bác sĩ CK2 Hồ Kỳ Thu Nguyệt: Thông thường đo tim thai từ tuần 34 trở lên hoặc khi các bác sĩ thấy cần thiết.  Không đo tim thai không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh nở, nhưng không biết được em bé hiện có khỏe không để có thể cho sanh hoặc mổ kịp thời giảm tỉ lệ tử vong khi thai nhi còn trong bụng mẹ. Mong bạn lưu ý vấn đề này.


Đo tim thai từ tuần 34 trở đi giúp mẹ biết được sức khỏe của bé

- Hỏi: Thưa bác, hoàn cảnh con khó khăn. Không đủ điều kiện để khám thường xuyên. Vậy có ảnh hưởng gì đến thai nhi?

(Thủy, thuthuy**@yahoo.com.vn)

Bác sĩ CK2 Hồ Kỳ Thu Nguyệt: Bạn có thể khám định kỳ ở Y tế địa phương. Vừa đỡ tốn kém vừa bảo đảm an toàn cho mẹ và bé. Nên bạn yên tâm nhé.

- Xin cám ơn Bác sĩ Hồ Kỳ Thu Nguyệt đã dành thời gian để trả lời các câu hỏi của mẹ bầu.

Chúng tôi xin chia sẻ phần nào nỗi lo lắng của các mẹ mang thai lần đầu. Chúc các bạn sẽ khỏe mạnh trong suốt thai kì.

Xuân Anh Lê (BVPL)