Chuyện ở quán cơm 2000 đồng một bữa giữa Sài Gòn

Suốt nhiều năm nay, hàng ngày cứ từ khoảng 11 giờ trưa trở đi, tại địa chỉ số 6 Cống Quỳnh, P.Nguyễn Cư Trinh, Q1, TP.HCM  lại có rất đông người tập trung về đây để ăn trưa.Họ chủ yếu là những người lao động nghèo, bán vé số, nhặt ve chai, trẻ đánh giày, bán báo dạo, ...

nụ cười 1

Quán cơm nụ cười

Nơi đây với tên gọi quán cơm Nụ Cười 1 với giá mỗi suất cơm chỉ 2.000 đồng đã trở thành điểm đến của rất nhiều người bởi bữa ăn này không chỉ giúp họ cảm thấy ấm lòng bởi trên đời này vẫn còn có rất nhiều tấm lòng thơm thảo, biết chia sẻ khó khăn với người nghèo.

Ấm lòng khách nghèo

Cách đây không lâu, khi quán cơm xã hội Nụ Cười 1 mới mở, nhiều người đi ngang qua đây còn không dám vào ăn bởi họ nhìn thấy tấm bảng hiệu đề chữ “Cơm trưa 2.000 đồng”, một cái giá quá rẻ để ăn một bữa cơm giữa chốn Sài thành đắt đỏ này. Anh Thắng, một người dân sống gần quán cơm này cho biết, những ngày đầu khi quán cơm mới mở, có nhiều cụ già đi qua đây nhưng không dám vào ăn. Có lần một cụ già bán vé số hỏi anh Thắng rằng “có phải thật không”, anh Thắng liền dắt tay cụ vào quán vừa nói: “Đúng đấy cụ ạ, chỉ cần ngần ấy tiền cụ có thể ăn no, cơm ở đây lại sạch và ngon nữa. Cụ chỉ cần mua phiếu ở bàn này vào là có thể ăn trưa”.

Không chỉ có cụ già bán vé số mà nhiều người đi ngang qua nhìn thấy tấm biển “cơm trưa 2.000 đồng - ngon, no sạch” đều không khỏi ngạc nhiên. Nhiều người không tin nên bỏ đi ngay, nhưng cũng không ít người vào quán để thử xem suất cơm 2.000 đồng có ngon và sạch như lời quảng cáo hay không. Và khi được ngồi xuống một chiếc bàn sạch sẽ cùng với những món ăn còn nóng hổi thì không ai còn thắc mắc nữa. Họ không ngờ ở giữa Sài Gòn thời buổi này vẫn còn có những quán cơm ngon và rẻ như thế.

nụ cười 2

Bữa cơm chỉ với giá 2.000 đồng giúp nhiều người cảm thấy ấm lòng 

Tiếng lành đồn xa, chẳng bao lâu quán cơm Nụ Cười 1 đã thu hút được rất nhiều khách đến ăn, trong số đó chủ yếu là những người lao động nghèo, người bán vé số, lượm ve chai, hay trẻ đánh giày, bán báo dạo... Cứ khoảng từ 11 giờ trưa trờ đi là trước quán có khá nhiều người đứng xếp hàng chờ được phát vé vào ăn cơm. 

Chị Nga, 43 tuổi ở Quảng Ngãi làm nghề nhặt ve chai mấy năm nay cho biết, với bữa cơm 2.000 đồng này đã giúp chị giảm nhẹ phần nào gánh nặng cuộc sống. Chị Nga bảo trước đây chưa có quán cơm, không có nhiều tiền nên buổi trưa chị chỉ dám ăn cái bánh mì, hay nắm xôi nhỏ vài ngàn đồng và đến chiều đi làm được một lúc là thấy hoa mắt chóng mặt. Từ ngày có quán cơm này, trưa nào chị cũng được ăn no, đồ ăn ở đây lại rất đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt là chị chỉ phải bỏ ra có 2.000 đồng nên đã dành dụm được nhiều tiền hơn để gửi về cho gia đình.

Bác Sáu quê ở Tiền Giang năm nay đã ngoài 60 nhưng vẫn phải lên đây lao động kiếm sống nuôi 2 cháu nội ở nhà. Gia đình bác Sáu khá éo le khi cách đây 2 năm vợ chồng con trai bác không may mất trong một vụ tai nạn để lại 2 con cho ông bà chăm sóc. Tuổi đã cao mà ở quê chẳng có việc gì làm nên bác Sáu phải lên Sài Gòn bán vé số kiếm tiền nuôi cháu. 

Bác Sáu cho biết lên Sài Gòn tiền thuê chỗ trọ đã đắt đỏ, nên quán cơm 2.000 đồng này như một chỗ dựa cho những người có hoàn cảnh như bác. 
“Lên đây đất chật người đông, người ta tranh nhau từng li từng tí để kiếm sống, ai ngờ lại có quán cơm giá rẻ đến bất ngờ thế này, bán mà như cho không lại còn được đối xử như người nhà nên những người lao động như chúng tôi thấy ấm lòng lắm”, bác Sáu tâm sự. Bác cho biết mỗi ngày bác kiếm được khoảng hơn một trăm ngàn từ nghề bán vé số, trừ các chi phí mỗi tháng cũng gửi được về dưới quê gần 1,5 triệu đồng nuôi cháu ăn học.

Nhân rộng những tấm lòng

Được biết quán cơm xã hội Nụ Cười 1 nằm trong chuỗi quán cơm xã hội của quỹ từ thiện tình thương TP. HCM được nhóm doanh nhân, trí thức thành lập. Cho đến nay đã có thêm 4 quán Nụ Cười khác nằm rải rác ở các quận trên địa bàn TP. HCM. Vì việc làm tình nghĩa của mình nên quán Nụ Cười thu hút rất nhiều tình nguyện viên. Hầu hết các tình nguyện viên đều là sinh viên, nhân viên của các công ty, họ thường tới quán làm các công việc từ nấu nướng, bưng bê cho đến rửa chén bát đến làm kế toán. 

Mỗi ngày quán mở cửa từ 11 giờ 15 - 12 giờ 30 và trung bình bán được 800 - 900 suất/ngày. Thỉnh thoảng vào một số ngày chẵn trong tháng, quán cơm Nụ Cười 1 còn đổi từ cơm thành bún bò Huế với giá chỉ 1.000 đồng, gọi là “ngày Hạnh Phúc”.

Ngoài những tình nguyện viên như thế, cũng có những người vô tình đến quán ăn này và đã trở thành một tình nguyện viên gắn bó của quán nên hầu như quán chẳng bao giờ thiếu người phục vụ. Như trường hợp một cô sinh viên người Pháp trong quá trình làm đề tài từ thiện được nhóm bạn người Việt dẫn tới quán ăn này để ghi nhận. Thấy tình người lan tỏa nơi đây nên sau khi hoàn tất đề tài, cô sinh viên người Pháp này đã quyết định làm tình nguyện viên để giúp đỡ những người nghèo. Mỗi tuần cô đến giúp quán khoảng 2 ngày khiến nhiều người vô cùng cảm động.

nụ cười 3

Các tình nguyện viên phục vụ tận tình 

Ngoài những tình nguyện viên sẵn sàng bỏ công bỏ việc đến quán phục vụ, còn có nhiều người sau khi ăn xong một bữa cơm ở đây, cảm nhận được cái tình người ấm áp đã thường xuyên chở gạo, chở sữa đến để ủng hộ quán. Một nhân viên phục vụ của quán cho biết, cách đây không lâu, có một anh đến ăn cơm xong rồi hỏi quán bán đến mấy giờ. Một lúc sau người thanh niên này bất ngờ chở tới quán hai bao gạo rồi đi ngay mà không chịu nói tên nói tuổi. Còn có một chị khác sau khi ăn xong thì hỏi quán xem có bao nhiêu người phục vụ. Một lát sau đã thấy chị mang 20 ly sữa đậu nành đến, bảo là mấy em phục vụ vất vả nên thương quá.

Chính vì tính nhân văn và thiết thực nên không lâu sau khi quán cơm Nụ Cười 1 ra đời, đã có thêm nhiều quán cơm như thế xuất hiện với mong muốn có thể giúp đỡ thêm nhiều người nghèo hơn nữa. Những bữa cơm với mức giá tượng trưng 2.000 đồng khá giàu dinh dưỡng này không chỉ giúp cho không ít người “ấm cái bụng”, mà còn giúp những người có hoàn cảnh éo le, đang phải chật vật mưu sinh cảm thấy được chia sẻ vơi bớt đi gánh nặng trong cuộc sống còn nhiều khó khăn này.

Theo Văn Phương (Pháp luật và Cuộc sống)