"Bắt bệnh" Google: 50% người dùng di động không tìm kiếm mỗi ngày

Điều này có thể khá mâu thuẫn với những số liệu mới nhất từ Google cách đây vài ngày. Tuy nhiên, đó chỉ là cùng một sự việc được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau, và dưới đây là một quan điểm vô cùng thực tế.

Bài viết thể hiện quan điểm của Charles Arthur trên Wordpress.

Tại hội nghị Re/code ngày 8/10 vừa qua, Amit Singhal, Phó Giám đốc cấp cao của Google Search hoan hỉ thông báo, Google đã đạt mức 100 tỷ tìm kiếm mỗi tháng. Thêm vào đó, hơn phân nửa số tìm kiếm đến từ các thiết bị di động, chưa kể các thiết bị có màn hình từ 6 inch trở lên như tablet.

Có thể thấy, tìm kiếm từ di động đang dần bỏ xa desktop. Tuy nhiên, đây dường như không phải một dấu hiệu đáng mừng. Người ta hiểu rằng, thay vì tự huyễn hoặc hơn một nửa số tìm kiếm đến từ thiết bị di động, đây nên được coi là một tín hiệu xấu khi có tới 50% người dùng di động không tìm kiếm trên Google Search mỗi ngày.

Ông Singhal cho biết, môi trường người dùng và khả năng của thiết bị đang định hướng cách thức chúng ta tìm kiếm. Google Search là công cụ tìm kiếm mạnh nhất và phổ biến nhất hiện giờ khi sở hữu ưu thế tuyệt đối so với những dịch vụ cạnh tranh.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà Google mới nhận ra ở nền tảng tìm kiếm của mình trong vài năm trở lại đây: Theo guồng quay của trào lưu "di động hóa" đang ngày một mạnh mẽ, người dùng smartphone đang dần quên mất thói quen tìm kiếm trên Google Search. Thay vào đó, họ dành cả ngày để sử dụng các ứng dụng/game trên di động.

TÌM KIẾM Ư? KHÔNG PHẢI HÔM NAY

Google đang sở hữu nền tảng di động phổ biến nhất thế giới Android và kiếm hàng tỷ USD hàng năm nhờ vào việc bán ứng dụng thông qua cửa hàng trực tuyến Google Play. Nhờ đó, lợi thế mà Google kiếm được từ kho ứng dụng di động khổng lồ này là rất lớn.

Tuy nhiên, đây lại là con dao hai lưỡi khi làm giảm sự quan tâm của người dùng tới Google Search. Tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, số lượng người dùng tìm kiếm bằng Google Search trên di động luôn cao hơn rất nhiều so với trên desktop hay laptop.

Dẫu vậy, doanh thu từ mảng tìm kiếm trên di động của Google chỉ đạt 68% tại Mỹ vào năm ngoái - trong khi con số đó là 81% vào năm 2012. Sự sụt giảm này là minh chứng rõ nét nhất cho việc các ứng dụng di động mới là ưu tiên hàng đầu của người dùng smartphone hiện nay.

Ông Amit Singhal cũng đặt lượng tìm kiếm từ 2 mảng thiết bị lên bàn cân sau khi nhìn lại một loạt con số biết nói: Hơn 100 tỷ lượt tìm kiếm trên Google hàng tháng (bao gồm cả máy tính và các thiết bị di động); khoảng 1,4 tỷ thiết bị Android hoạt động thường xuyên mỗi tháng; khoảng 1 tỷ người dùng Google Play thường xuyên hàng tháng.

Cộng hưởng với hơn 1,5 tỷ máy tính và khoảng 400 triệu chiếc iPhones (chưa kể các thiết bị Window Phone và BlackBerry) trên toàn thế giới, ông Singhal cũng thừa nhận, sau khi bỏ xa máy tính ở 10 quốc gia, lượng người dùng di động sẽ tiếp tục lớn mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Dựa theo các số liệu cụ thể được Google cung cấp, biểu đồ trên cho thấy một cái nhìn tổng quan đáng lưu ý về lượng tìm kiếm hàng ngày trên Google qua máy tính. Có thể rút ra kết luận đầu tiên: Vào bất kỳ ngày nào, trung bình có khoảng 55% người dùng thực hiện 1 lệnh tìm kiếm/ngày, 15% tìm kiếm 2 lần/ngày, và chỉ dưới 5% tìm kiếm 4 lần/ngày.

Những phần trăm nghe có vẻ vô cùng nhỏ bé nhưng thực chất lại đại diện cho hàng tỷ người trên khắp thế giới. Không những số lượt tìm kiếm đang dần tụt lại so với các thiết bị di động, tính đa dạng của các bản ghi từ các câu lệnh máy tính cũng đang ngày càng bị thu hẹp.

Giờ đây, người ta vào mạng chỉ để gõ... Facebook, Gmail hay Yahoo vào thanh tìm kiếm. Thậm chí, phần đông người dùng Internet còn có thói quen gõ thẳng những cái tên đó vào ô tìm kiếm của... Google.

KHI DI ĐỘNG LÊN NGÔI

Tình thế trở nên hoàn toàn khác khi nói tới di động. Phải thừa nhận rằng, với một chiếc smartphone trên tay, chẳng ai mất công đi gõ "Facebook" hay "Gmail" vào thanh địa chỉ cả. Thay vào đó, họ đã có ngay các ứng dụng vô cùng tiện lợi trong máy.

Đây chắc chắn là lý do chính dẫn đến sự thụt lùi đã từ rất lâu về lượng tìm kiếm trên trình duyệt di động so với trình duyệt máy tính. Với thực tế lượng người sử dụng smartphone đang ngày càng khó kiểm soát, rõ ràng người ta vẫn thích cầm một thiết bị di động nhỏ gọn hơn là ngồi một chỗ cả ngày với dàn máy tính cồng kềnh.

Cho dù vẫn đang là kẻ chiếm thế thượng phong trên mọi thiết bị Android, với riêng Google, đây dường như là một bài toán hóc búa đang từng bước đẩy ông lớn này ra khỏi cuộc chơi.

Phép màu tìm đến Google chính là nhờ hàng nghìn tỷ lượt tìm kiếm và những cú click vào quảng cáo trong vài năm qua từ người dùng, giúp Google từng bước đi lên và trở thành một doanh nghiệp đa quốc gia trị giá nhiều tỷ đô.

Dẫu vậy, "sông có khúc, người có lúc", không ai có thể phủ nhận được rằng trong xã hội hiện tại, người ta sẽ ít khi chăm chú tìm kiếm trên Google thay vì chơi game trên smartphone hoặc tablet. Trước mắt, đây có thể không phải điều đáng ngại. Nhưng về lâu dài, điều này thực sự đang đe dọa Google.

Theo những dữ liệu có được từ Google, có thể dễ dàng suy ra được, chỉ có khoảng 5% người dùng di động có thói quen tìm kiếm trung bình trên 7 lần/ngày, không quá khác biệt với mảng máy tính. Tuy nhiên, chính tại đây đánh dấu một sự khác biệt hoàn toàn so với số liệu máy tính.

Mặc dù tỷ lệ người dùng tìm kiếm trên 7 lần/ngày của cả di động lẫn máy tính đều dao động trong khoảng 5%, rõ ràng lượng người dùng chỉ tìm kiếm 1 lần/ngày ở 2 mảng này lại vô cùng đối nghịch: 93% ở máy tính nhưng di động thì chỉ 47%.

Theo phân tích từ chuyên gia công nghệ Horace Dediu, dân số internet đang phát triển nhanh chóng nhưng ngược lại, doanh thu của Google từ các nguồn ngoài Anh/Mỹ lại giảm. Trung bình mỗi người dùng Anh/Mỹ giúp Google kiếm khoảng 86 USD/năm, trong khi số còn lại chỉ rơi vào khoảng 12 USD/năm và còn có xu hướng giảm tiếp.

Không thể phủ nhận rằng Google đang khá đau đầu trước thực tế nhãn tiền của xu hướng "di động hóa": Năm 2016 sắp tới sẽ đánh dấu thời điểm dân số Internet bắt đầu có xu hướng chững lại. Lượng người sử dụng PC đang giữ nguyên hoặc thậm chí còn giảm, trong khi số người sở hữu smartphone lại đang không ngừng tăng mạnh.

Điều đáng nói là nhóm người chuộng smartphone lại thường không có thói quen tìm kiếm hàng ngày, và vì vậy cũng khó có thể tiếp cận với những chiến dịch quảng cáo nặng ký của Google. Đương nhiên, bên cạnh Google Search, còn có vô số mô hình quảng cáo tích hợp ngay bên trong các ứng dụng di động.

Tuy nhiên, doanh thu từ chúng có lẽ không bao giờ đủ sức đứng ngang hàng với những loại hình quảng cáo trực tiếp trên bộ máy tìm kiếm. Chính vì thế, Google đang tích cực khuyến khích người dùng sử dụng trình duyệt web di động nhiều hơn.

Và không chỉ dừng lại ở phạm vi tìm kiếm cơ bản, người dùng luôn được kỳ vọng sẽ khai thác tối đa mọi tiện ích tìm kiếm được Google cung cấp như Google Now hay Now On Tap.

Nhìn qua lăng kính đó, sự tái cơ cấu của Google để trở thành Alphabet đã không còn vô nghĩa như nhiều người lo ngại. Đây chính là cú nổ lớn giúp Google có được vô số những ý tưởng kiếm lời đầy tiềm năng từ việc tìm kiếm trước khi bị các "thế lực" smartphone chiếm đoạt ngôi vương.

Dường như hầu hết những đổi mới tích cực sắp tới sẽ tập trung vào mảng di động. Điều này có thể được quan sát dễ dàng dựa trên những dữ liệu tài chính của Google trình bày trong biểu đồ dưới đây:

Có thể thấy rõ:

- Số lượng click được trả tiền tăng trưởng ngoạn mục: gấp 9 lần kể từ cuối năm 2005.

- CPC (Cost Per Click: một hình thức quảng cáo trực tuyến mà nhà quảng cáo sẽ chỉ trả tiền khi có người nhấn vào liên kết vào quảng cáo của họ) đang trên đà tụt dốc dù Google đã nỗ lực cứu vãn tình hình vào giữa năm 2011.

Kết hợp 2 số liệu trên, có thể thấy doanh thu quảng cáo vẫn không hề tương xứng với số click chuột được trả tiền. Nói cách khác, giá trị của nền tảng mới cùng thế hệ người dùng mới của Google dường như không còn cao như trước.

KẾT LUẬN

Tìm kiếm trên di động đang trở thành một vấn đề không nhỏ của Google khi người dùng ưa chuộng các ứng dụng khác trên di động hơn là vào Google Search. Mối lo này thực chất không quá đáng ngại, nhưng việc con người đang ngày càng “nghiện” các ứng dụng di động là không thể phủ nhận.

Sẽ mất nhiều thời gian để thay đổi điều đó, cho dù các hãng tin chưa một ngày nào ngừng ao ước người dùng sẽ chú ý đến các trang tin di động thay vì “dán mắt” vào những ứng dụng trên smartphone. Thế nhưng, trước sự bành trướng ngày một lớn mạnh của Facebook, họ đành phải cay đắng nhìn nhận thực tế: Người dùng đang dần bị cuốn theo trào lưu đọc tin trên mạng xã hội thay vì đọc báo.

Đây thực sự là bức tranh toàn cảnh khá chân thực của “nền văn minh” di động ở thời điểm hiện tại. Giờ đây, trong một thế giới đang bị smartphone thâu tóm, một cửa hàng ứng dụng trực tuyến được chăm chút sẽ tỏ ra ưu việt hơn hẳn một công cụ tìm kiếm đơn thuần. Để có thể nhanh chóng thích nghi và giành lại thế chủ động, có vẻ như Google sẽ cần gạt bỏ ý nghĩ "bá chủ thiên hạ" chỉ với Google Search.

Theo TTVN