Cảnh báo trẻ nhỏ ng.ộ đ.ộc rượu ngâm mật ong, trái cây do bất cẩn của người lớn

Theo các bác sĩ, thời gian qua đã có không ít trường hợp trẻ nhỏ uống nhầm phải một số loại rượu ngâm cây với mật ong, rượu ngâm hoa quả dẫn tới ngộ độc.

Mới đây nhất, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận một bé gái 41 tháng tuổi bị ngộ độc do uống rượu cây gió ngâm mật ong. Được biết cách thời điểm nhập viện khoảng 3 tiếng, bé ở nhà với bà và anh trai 7 tuổi. Trong khi bà tranh thủ làm việc nhà, hai anh em cùng nhau uống hết 1/3 chai rượu ngâm cây gió cùng với mật ong.

Sau khi uống được một thời gian, bé gái có biểu hiện nôn, tím tái, vã mồ hôi, hơi thở mùi cồn, gia đình nhanh chóng đưa bé nhập viện. Sau khi được truyền giải độc, bé tỉnh táo, chơi ngoan, ăn uống tốt và được xuất viện.

canh-bao-tre-nho-ng-o-d-oc-ruou-ngam-mat-ong-trai-cay-do-bat-can-cua-nguoi-lon

Nhiều trẻ bị ngộ độc rượu ngâm cha mẹ nên cẩn trọng. Ảnh: VTV

Tiếp đến, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai thông tin, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhi S.S.B. (2 tuổi, dân tộc Mông, trú tại huyện Bắc Hà, Lào Cai) trong tình trạng hôn mê, có các cơn co giật dài toàn thân. 

Ông nội của bệnh nhi cho biết khoảng 2 giờ chiều bệnh nhi dậy uống nước. Thấy ca rượu để trên bàn nên rót ra bát uống gần hết một bát (khoảng 200 ml rượu). Đây là số rượu do gia đình uống còn lại từ hôm trước. Sau đó, bệnh nhi đi ngủ, đến sáng người nhà gọi không tỉnh, có cơn kích thích vật vã, co giật toàn thân. Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng và chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai. 

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc rượu, xử trí cấp cứu theo phác đồ ngộ độc, truyền dịch, bù nước điện giải. Sau gần 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã hồi tỉnh, lấy lại được ý thức, sức khỏe ổn định.

Một trường hợp tương tự xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh. Bệnh nhi Phạm M. Đ ( 6 tuổi) vào viện trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, đồng tử co nhỏ, hơi thở có mùi rượu, kích thích đau có phản xạ. Theo thông tin từ gia đình, trong lúc bố mẹ vắng nhà, bé Phạm M. Đ và em trai đã tự uống một lượng lớn rượu ngâm hoa quả. Ngay khi nhận thấy con có dấu hiệu nôn mửa, thần trí lơ mơ và ngất lịm, gia đình lập tức đưa bé đến cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy. Xét nghiệm nồng độ Ethanol trong máu lên tới 200mg/dl, vượt ngưỡng chỉ số xác định ngộ độc độc Ethanol (> 80-100mg/dl), bệnh nhi bị toan chuyển hóa, hạ kali.

Thông tin về các trường hợp trên, BSCKI. Hà Huy Mến - Trưởng khoa Cấp cứu của Trung tâm khuyến cáo, nhiều người nghĩ rằng cho trẻ nếm thử một chút rượu, bia sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng với trẻ nhỏ chỉ cần uống một ngụm nhỏ cũng có thể bị ảnh hưởng vì cồn gây kích thích thần kinh.

Khi uống số lượng lớn sẽ gây hại cho não, mắt, gan, thận, thần kinh... của trẻ. Do đó, người lớn tuyệt đối không cho trẻ nhỏ uống thử bia, rượu cũng như các thức uống có cồn.

Để phòng tránh các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, người lớn cần giám sát trẻ liên tục và có các biện pháp để phòng tránh nguy hiểm cho trẻ như để xa tầm tay trẻ những vật dụng nguy hiểm, đồ sắc nhọn, thuốc, hóa chất, các loại đồ uống không phù hợp với trẻ nhỏ.

Không dùng các chai đựng thực phẩm để chứa hóa chất, tránh gây nhầm lẫn; bọc các góc cạnh bàn, ghế, giường tủ để tránh va đập; sắp xếp nhà cửa gọn gàng. Không cho trẻ chơi những đồ chơi có kích thước nhỏ, phòng tránh trẻ vô thức nhét vào các hốc tự nhiên hoặc nuốt gây nguy hiểm. Cho trẻ chơi ở khu vực bằng phẳng, cần có thanh chắn ở các lối ra vào, đặc biệt giữa các bề mặt có sự chênh lệch độ cao.

Quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh rượu

Theo giải thích tại Điều 2 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia: Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

Quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh rượu được ghi nhận tại Điều 15 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia: Điều kiện cấp phép sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên nhằm mục đích kinh doanh. Có 02 điều kiện cơ bản là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật. Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Đây là điều kiện cơ bản đối với mọi hoạt động sản xuất rượu, bia.

Đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên làm thủ tục cấp giấy phép theo quy định.

Theo VietQ